Trách nhiệm không phải của nhà trường
Tìm hiểu một số trường đại học, nhiều giáo viên phản ảnh, bên cạnh những sinh viên học tốt, chăm chỉ thì có không ít sinh viên coi trường học là nơi đến để điểm danh… Đến kỳ thi thì thi không qua môn, rồi học lại. Nhiều sinh viên còn lầm tưởng rằng, được vào học tại một trường đại học công lập, khi ra trường cầm tấm bằng trên tay sẽ là “chìa khóa vạn năng” mở được cửa của tất cả các nhà tuyển dụng.
Ngày hội tìm việc làm tại TP. Cần Thơ. Ảnh: tienphong.vn
PGS,TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, xã hội nói rằng sinh viên ra trường có việc làm hay không là trách nhiệm của nhà trường, suy nghĩ như vậy là không đúng-nhà trường vốn chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy điều xã hội cần. Nhà trường đào tạo con người có khả năng làm việc và đồng thời có việc làm hay không thì lại lệ thuộc vào thị trường lao động. Có năng lực hay không còn do chính bản thân học trò. Cùng một lớp học, những sinh viên chịu khó tìm tòi, học hỏi là có năng lực. Đối với điểm số cũng không liên quan chặt chẽ, có những em điểm xuất sắc cũng chắc gì làm việc được tốt. Nói như vậy nhiều người phản đối, nhưng qua kinh nghiệm thực tiễn chúng tôi thấy không phải là điểm cao thì đều có năng lực làm việc tốt. Đặc biệt là những điều được học trong trường và những điều sẽ dùng ở ngoài đời không song hành với nhau, tôi nghĩ kiến thức để dùng chỉ có 30%, phần còn lại là vốn tự bổ sung. Khi vào làm việc phải biết rằng công việc đó cần kiến thức gì, thiếu cái gì, biết chỗ nào để bổ sung thì lúc đó mới tích lũy được năng lực.
Tại Trường Đại học Cần Thơ-một trong những trường đào tạo uy tín trong khu vực ĐBSCL, mỗi năm có ít nhất từ 7.000 đến 7.500 sinh viên ra trường. Việc điều tra sinh viên ra trường có việc làm hay không, nhà trường cho rằng đây là vấn đề cũng không dễ. Nhà trường đã gửi thư phỏng vấn, điều tra xã hội học nhưng ít khi trả lời, đồng thời trả lời cũng bị lệch.
Thừa thầy thiếu thợ
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên-Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP Cần Thơ. Chỉ tính riêng trong năm 2016, số lượng người lao động thuộc khu vực ĐBSCL tìm đến trung tâm để tư vấn và giới thiệu việc làm có con số khá cao. Trong đó số lao động được giới thiệu là 2.157 lượt lao động, riêng người có trình độ đại học, cao đẳng là 1.310 chiếm 60,7%, người có trình độ trung cấp là 478 chiếm 22,1%, lao động phổ thông 369 chiếm 11,2%.
Ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên-Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP Cần Thơ cho biết, hiện nhu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu thuộc các ngành nghề thương mại, dịch vụ, nhân viên kinh doanh, tiếp thị, bán hàng, giao hàng, may mặc… Còn các vị trí thuộc lĩnh vực y dược, viễn thông, công nghệ thông tin... rất ít. Trong quá trình tư vấn việc làm chúng tôi thấy, nhiều sinh viên ở các trường chính quy có bằng cấp khá, giỏi luôn muốn tìm cho mình một nhà tuyển dụng có chế độ tốt, nhưng khi tiếp cận công việc thì không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó nhiều sinh viên tốt nghiệp ở các trường dân lập rất năng động, họ xác định cho mình mục tiêu khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi ra trường họ đã đáp ứng được nhu cầu công việc ngay.
Hiện nay, đội ngũ bác sĩ ở ĐBSCL rất thiếu, toàn vùng còn hơn 300 trạm y tế xã, phường vẫn chưa có bác sĩ, đây là vấn đề đã được nhắc đến lâu nay, tuy nhiên số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về ngành y ra trường hằng năm lại không muốn trở về phục vụ cho địa phương. Cùng với đó là quy mô đào tạo ngành nghề này thiếu nhưng ngành nghề khác lại thừa dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu thị trường…
Ông Võ Trọng Hữu, Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, qua khảo sát tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ, có 46% sinh viên ra trường về địa phương làm việc, còn lại làm không lương nhưng vẫn "bám" một số bệnh viện ở các thành phố lớn và chạy vào một số bệnh viện tư nhân. Riêng các lĩnh vực phục vụ cho nông nghiệp của các trường đại học lại rất ít sinh viên theo học, trong khi nhu cầu lại thiếu. Sinh viên luôn đòi hỏi những ngành danh giá, những ngành có thu nhập cao. Mỗi lần tư vấn thì học sinh lại không muốn vào học những ngành thị trường đang cần, đa số sinh viên khi được hỏi vào đại học thì chọn học ngành nào, câu trả lời là những ngành như quản trị kinh doanh, kế toán, ngân hàng… Tuy nhiên, nhu cầu đào tạo học nghề đang rất cần thiết nhưng sinh viên lại không muốn theo học.
HOÀNG NHƯỠNG