Đã sơ tán hàng trăm nghìn dân

Ngày 25-12, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão tại ven biển tỉnh Bạc Liêu.
leftcenterrightdel
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm tặng quà cho người dân tại khu sơ tán Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng- Ảnh Thanh Nam ( Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng).

Tại Sóc Trăng, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 16 tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu; thị sát khu vực cửa biển; đồng thời chỉ đạo, động viên các lực lượng tham gia phòng, chống bão. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện: Tỉnh đã huy động lực lượng tổ chức di dời hơn 27.000 người đến nơi trú, tránh bão an toàn từ ngày 24-12. Toàn bộ nhân dân đều được cung cấp nước, thức ăn, thuốc men.

Tại tỉnh Bạc Liêu, báo cáo với Phó thủ tướng và đoàn công tác, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đến 13 giờ ngày 25-12, toàn tỉnh đã sơ tán hơn 85.000 hộ dân, tương đương hơn 365.700 người, với tổng số 31.000 điểm sơ tán là trụ sở cơ quan, trường học, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và nhà người dân xây dựng kiên cố. UBND tỉnh Bạc Liêu huy động 12.000 người, 24.000 phương tiện… tham gia bảo vệ tài sản, di dời dân và ứng phó với tình huống bão số 16 đổ bộ vào đất liền.

Tại tỉnh Cà Mau, chiều 25-12, sau khi trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão tại cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, tỉnh Cà Mau), đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau. Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đã kiểm đếm được 3.465 tàu, thuyền trên địa bàn. Đã có 145 tàu, với hơn 1.000 người trú bão tại Malaysia và Thái Lan. Còn lại các tàu đã được kêu gọi vào bờ tránh, trú bão. Về sơ tán dân, Cà Mau đã thực hiện di dời 56.000 người dân đến nơi an toàn. Tỉnh cũng đã cho học sinh nghỉ học từ sáng 25-12. Cà Mau thực hiện chằng chống nhà cho hơn 89.000/104.000 hộ dân. Triển khai gia cố 8 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, được đánh giá có nguy cơ gây vỡ đê, với chiều dài hơn 2.000m...

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực của các tỉnh nêu trên trong công tác phòng, chống bão số 16, đồng thời yêu cầu các địa phương không được chủ quan, bảo đảm lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời mọi tình huống xảy ra. Thực hiện nghiêm việc cấm biển, tiếp tục rà soát triệt để tàu, thuyền trên biển, không để bất cứ tàu, thuyền nào còn trên biển. Kiểm tra lại việc tránh trú của tàu, thuyền. Sơ tán triệt để người dân đến khu vực an toàn, tránh để người dân quay lại vùng xung yếu. Kiểm tra khu nuôi trồng thủy sản, giảm tối đa thiệt hại cho nhân dân. Lực lượng quân đội, công an giữ vai trò nòng cốt, sẵn sàng, chủ động ứng cứu, hỗ trợ địa phương khi cần thiết. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo cần chú trọng khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn cho người dân sau bão.

leftcenterrightdel
Lực lượng bộ đội tỉnh Trà Vinh hướng dẫn, giúp đỡ dân di tản về đất liền. Ảnh TTXVN.
leftcenterrightdel
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm các cháu thiếu nhi tại khu sơ tán Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng- Ảnh Thanh Nam ( Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng)

20.229 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia giúp dân

Theo báo cáo từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn: Trong ngày 25-12, đã có 20.229 cán bộ, chiến sĩ (bộ đội: 3.222, DQTV: 16.493, lực lượng khác: 514) và 152 phương tiện các loại được huy động tham gia giúp dân ứng phó bão. 92.533 cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) lực lượng vũ trang (bộ đội: 29.945, dân quân: 52.665, DBĐV: 9.914) và 3.524 phương tiện  (138 tàu, 1.674 xuồng, 1.529 ô tô, 210 xe đặc chủng) sẵn sàng tham gia giúp dân. Các lực lượng nêu trên đã tham gia công tác sơ tán dân đến nơi trú, tránh an toàn; chằng chống 23.979 ngôi nhà; sắp xếp 13.374 tàu, thuyền tại bến. Đồng thời, lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, chủ tàu thông báo hướng dẫn cho 69.948 phương tiện với 346.441 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 16 để chủ động phòng, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân

 Ngày 25-12, Bộ Y tế đã có Công điện số 1408/CĐ-BYT về việc triển khai công tác kết hợp quân dân y ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 16. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ban Quân dân y các Quân khu 7, 9; Ban Quân dân y các tỉnh, thành phố ven biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang và các cơ sở y tế quân dân y thuộc khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nam Bộ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Không để xảy ra gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

 Hàng chục chuyến bay bị hủy

 Ngày 25-12, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 16, hãng đã hủy 8 chuyến bay trong khung giờ từ 12 giờ 40 phút đến 20 giờ 30 phút trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh-Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Hà Nội-Cần Thơ. Hành khách bị ảnh hưởng trên các chuyến bay này sẽ được hãng bố trí đi trên các chuyến bay trong ngày 26-12. Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) cũng hủy 16 chuyến bay trong khung giờ 8 giờ 45 phút đến 15 giờ 25 phút ngày 25-12 trên các đường bay TP Hồ Chí Minh-Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Côn Đảo-Cần Thơ và Cần Thơ-Phú Quốc. Ngoài ra, một số chuyến bay nội địa của các hãng cũng bị chậm do ảnh hưởng dây chuyền. Để bảo đảm an toàn do ảnh hưởng của bão, ngày 25-12, Hãng hàng không Vietjet đã ngừng khai thác các chuyến bay VJ465/VJ466 (chặng Hà Nội-Cần Thơ), VJ701/VJ464 (chặng Đà Nẵng-Cần Thơ-Hà Nội), VJ457/VJ456 (chặng Hà Nội-Phú Quốc); VJ331/VJ33/VJ32/VJ326 (chặng TP Hồ Chí Minh-Phú Quốc). Nhiều chuyến bay khác của hãng cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương, chiều tối (25-12), vị trí tâm bão số 16 ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Tây Bắc, khoảng 80km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão.

Bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần, tốc độ di chuyển khoảng 20km/giờ. Đến 16 giờ ngày 26-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 103,4 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau-Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ tiếp tục có mưa to, khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26-12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

ĐIỆP HÀ-THÁI HƯNG-HƯNG MẠNH-CÙ HƯƠNG-XUÂN DÂN-ĐÌNH THÀNH-HÙNG KHOA