Cái vòng luẩn quẩn ấy, nhất định phải đập tan. Ba thứ “giặc” ấy, nhất định phải tận diệt.

Lập nước với một dân tộc có hơn 90% dân số mù chữ, “giặc dốt” vừa là nguy cơ trước mắt vừa là nguy cơ lâu dài. Vì thế, ngay sau khi độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố, lấy chữ Quốc ngữ làm chữ viết chính thức của chế độ, phát động Phong trào “Xóa nạn mù chữ” và lập Nha Bình dân học vụ, lo việc dạy học để toàn dân diệt “giặc dốt”, tính kế lâu dài cho “nước mạnh”, “dân giàu”.

Xây dựng LLVT với đội quân nông dân, sinh ra từ một dân tộc bị thực dân-phong kiến bỏ cho thất học như vậy, ngày 18-5-1955, tức là một năm sau ngày giải phóng Điện Biên, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng (BQP) quyết định thành lập Trường Văn hóa Quân đội (VHQĐ), để toàn quân diệt “giặc dốt”, tính kế lâu dài cho “binh cường”.

Trường VHQĐ ra đời, được mang phiên hiệu quân sự D126, ban đầu đóng quân tại Sân bay Kiến An (Hải Phòng), trên vùng đất thuộc “Khu vực 300 ngày”, 5 ngày sau khi quân Pháp rút hết khỏi miền Bắc và ta tiếp quản Hải Phòng (13-5-1955).

Đồng chí Lê Quang Hòa, Cục trưởng Cục VHQĐ lúc bấy giờ, được giao làm Hiệu trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của trường (sau này Đồng chí là Thượng tướng, Thứ trưởng BQP kiêm Tổng thanh tra Quân đội).

Khi ấy, cán bộ, chiến sĩ của Quân đội ta chủ yếu mới có trình độ văn hóa cấp 1, cấp 2 hoặc mới biết đọc, biết viết qua Bình dân học vụ, thậm chí nhiều người còn mù chữ! Làm sao khác được, khi mà trước đó, cả tỉnh Thanh Hóa rộng lớn như vậy, lại là “vùng tự do” trong kháng chiến chống Pháp, mà cũng mới chỉ có một trường cấp 2 là trường Đào Duy Từ và một trường cấp 3 là trường Lam Sơn? Nhiệm vụ nâng cao văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ ta thời ấy là vô cùng khẩn thiết.

Những học viên đầu tiên về trường là những cán bộ quân đội sơ cấp và chiến sĩ ưu tú đã tốt nghiệp tiểu học trở lên; những cán bộ trung, cao cấp thì có thể đang học dở tiểu học cũng được nhập học.

Bộ Giáo dục tăng cường cho trường một đoàn cán bộ biệt phái khoảng 30 người. Đoàn gồm các sinh viên được chọn từ các trường đại học lúc ấy, đa phần được học trong kháng chiến ở Khu 4 cũ; có hai người là giáo viên cấp 1 từ vùng tự do Khu 5. Đoàn do đồng chí Lê Ngọc Du dẫn đầu. Đây là lực lượng giáo viên chính. Trong số họ, giáo viên Nguyễn Đăng Phất và giáo viên Nguyễn Minh Chương sau này đều là Tiến sĩ Toán học. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Phất từng là Chủ nhiệm Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Để bổ sung cho đội ngũ giáo viên, nhà trường quyết định rút một số học viên đợt đầu, vốn đang học dở hoặc đã hết cấp 3, lên dạy cấp 1 và cấp 2. Giáo viên Trung văn là một số anh chị em đi học ở Trung Quốc trước đó được điều về, trong số này, có cô Hồ Mộ La, sau này là ca sĩ-nhà giáo thanh nhạc nổi tiếng. Sau nữa, là các cô giáo Lý Thị Ngần, Nguyễn Thị Tâm...

Về tổ chức, ngoài Khối Hiệu bộ, trường tổ chức học viên thành hai khối, một là khối cán bộ sơ cấp và chiến sĩ, hai là khối cán bộ trung, cao cấp. Học viên được chia thành các đại đội, trung đội. Chương trình giảng dạy là chương trình bổ túc văn hóa: Cấp 1 (Toán và Văn); cấp 2, cấp 3 (Toán, Lý, Hóa). Gần 3 năm sau, đã có hơn 1.000 học viên tốt nghiệp và được cử đi học ở các trường quân sự trong và ngoài nước.

Trong đợt đầu ấy, có những học viên sau này rất thành đạt, từng giữ các trọng trách của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Đó là nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh; các vị tướng Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung, Bằng Giang, Bùi Phùng, Đào Đình Luyện, Trần Hanh, Nguyễn Văn Ninh... Riêng đồng chí Phùng Thế Tài, khi học ở trường, một mình một lớp, một giáo viên. Người giáo viên ấy là đồng chí Lưu Đình Miện, vốn là học sinh cấp 3 Lam Sơn, được đưa lên tăng cường làm giáo viên (đồng chí Miện mất năm 2014, tại 32 Lý Nam Đế, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi).

Năm 1958, Trường VHQĐ rời Kiến An về Lạng Sơn, đóng trong Thành cổ Lạng Sơn, thuộc phường Chi Lăng, nằm gần ga xe lửa, bờ nam sông Kỳ Cùng, đến giờ đã là 60 năm tròn. Trường đóng tại Thành cổ Lạng Sơn, cũng là một trại lính Pháp, được ta cải tạo lại.

Trước nhu cầu nhân lực to lớn cho việc xây dựng một quân đội chính quy hiện đại, yêu cầu dạy và học ngày càng cao. Đội ngũ giáo viên của trường không ngừng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, được tổ chức thành hai khối: Khối Bổ túc văn hóa và Khối Ngoại ngữ. Các học viên thì được chia theo các đại đội, trung đội.

Từ năm 1960, nhà trường tổ chức thêm Tiểu đoàn 1 cho học viên, gồm 3 đại đội Hệ Thiếu sinh quân và 2 đại đội Ngoại ngữ. Hệ Thiếu sinh quân gồm gần 300 học viên, hầu hết là con em cán bộ và gia đình thành phần cơ bản, đã tốt nghiệp cấp 2 phổ thông, có độ tuổi từ 15 đến 17. Thiếu sinh quân được học văn hóa theo chương trình bổ túc, song song với chương trình quân sự huấn luyện chiến sĩ mới. Sau hai năm học tập và rèn luyện, hè năm 1962, khóa Thiếu sinh quân đầu tiên tốt nghiệp, họ trở thành Bộ đội Cụ Hồ thực thụ và 100% được tiếp tục theo học các trường sĩ quan trong và ngoài nước... Trong số những học viên Hệ Thiếu sinh quân và Tiểu đoàn 1, sau này có nhiều người thành đạt, như: Thiếu tướng Tống Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP; Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn rơi pháo đài bay B-52; đồng chí Đoàn Mạnh Giao, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thiếu tướng Hồ Chí Liêm, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc...

Năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ trùm lên khắp miền Bắc. Ở miền Nam, cuộc chiến cũng ngày càng mở rộng và ác liệt. Để chuẩn bị lực lượng hậu bị lâu dài cho quân đội, Quân ủy Trung ương và BQP giao Trường VHQĐ tạm dừng nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa để chuyên tổ chức đào tạo thiếu sinh quân mà đối tượng là con em cán bộ quân đội đang trực tiếp tham gia chiến đấu, công tác ở các chiến trường và con em gia đình có công với nước. Việc tổ chức một trường thiếu sinh quân, một mặt là nhằm tạo điều kiện cho con em họ được học văn hóa và rèn luyện trong môi trường quân đội để trở thành lực lượng hậu bị cho quân đội sau này; mặt khác cũng nhằm giảm bớt một phần gánh nặng gia đình, để họ yên tâm dồn hết trí tuệ, sức lực cho công cuộc kháng chiến.

Thực hiện nhiệm vụ đó, đầu năm 1965, Trường VHQĐ bắt đầu tuyển sinh. Tháng 9 năm ấy, tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), nhà trường tổ chức khai giảng năm học mới với gần 800 học viên là những học sinh phổ thông, từ lớp 5 đến lớp 9. Ngày khai giảng cũng chính là ngày giỗ đầu Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và nhà trường vinh dự được mang tên Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi (còn được gọi là Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi).

Trong chuỗi lịch sử 35 năm hoạt động của Trường VHQĐ, riêng 5 năm (từ 1965 đến 1970) Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã cho “ra lò” 8 khóa học với 1.200 học viên. Nhiều người sau này thành đạt, giữ những trọng trách của Nhà nước và quân đội. Đó là: GS, TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, hiện là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trung tướng Nguyễn Chiến, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ; Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin và Du lịch Trần Chiến Thắng; Thiếu tướng TS Nguyễn Quang Bắc, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học-Công nghệ BQP; Trung tướng, TS Trần Duy Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Thiếu tướng, TS Nguyễn Phục Quốc, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175; Thiếu tướng Bùi Vinh, nguyên Cục trưởng Cục Kế hoạch-Đầu tư BQP, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 11; chị Nguyễn Thanh Hà, nguyên Phó cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (con gái đầu của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh); NSƯT Dương Minh Đức, nguyên Phó giám đốc Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung...

Năm 1970, sau 5 năm đào tạo thiếu sinh quân, Trường Văn hóa Quân đội (VHQĐ) được tổ chức lại và trở về đóng quân ở vị trí cũ tại Lạng Sơn. Lúc này, trường tổ chức dạy và học theo hai khối như từ năm 1964 về trước, là Khối Bổ túc văn hóa và Khối Ngoại ngữ, đồng thời có thêm Khối Luyện thi đại học.

Khối Bổ túc văn hóa dạy học viên đến hết cấp 3, để học viên có thể đi học chỉ huy trung, cao cấp. Nếu ai đi nước ngoài, thì sang học thêm ở Khối Ngoại ngữ. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quân đã theo học tại đây. Trong số họ có Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Phùng Văn Khầu, Chu Văn Mùi, Bùi Đình Cư, Trịnh Thị Cửu... Riêng nữ Anh hùng LLVT nhân dân Tạ Thị Kiều được bố trí cho học một mình một lớp với ba giáo viên, một y sĩ. Sau này, năm 1974, còn có riêng một tiểu đoàn gồm các anh hùng và dũng sĩ diệt Mỹ-ngụy, từ chiến trường miền Nam ra theo học. Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, khi đó là một trong những đại đội trưởng của tiểu đoàn này.

Hàng trăm trong số hàng nghìn học viên Khối Bổ túc (Tiểu đoàn 3) ấy, đã qua Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị, học ở ngoài nước, trở thành những người lãnh đạo, chỉ huy chủ chốt của Quân đội ta: Đó là Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Khắc Nghiên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (UVTƯĐ), nguyên Tổng Tham mưu trưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên UVTƯĐ, nguyên Thứ trưởng BQP; Trung tướng Đào Trọng Lịch, nguyên UVTƯĐ, nguyên Tổng Tham mưu trưởng; Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Ma Thanh Toàn, nguyên UVTƯĐ, nguyên Tư lệnh Quân khu 2; Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Được, nguyên Thứ trưởng BQP, nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Tư lệnh Quân khu 3, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng; Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung, nguyên UVTƯĐ, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng; Phó đô đốc, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tình, nguyên UVTƯĐ, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công; Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1; Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các Trung tướng Đỗ Trung Dương và Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng; Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Như Hoạt, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng; Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4; Trung tướng Nguyễn Văn Lân, nguyên Tư lệnh Quân khu 3; Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân; Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Tấu, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp; Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Dương Công Sửu, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 1; Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Mai Năng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công; Thiếu tướng Vũ Bá Đăng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp; Thiếu tướng Trần Danh Bích, nguyên Cục trưởng Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Phạm Ngọc Phán, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật...

Khối Ngoại ngữ (D4), chuyên bồi dưỡng tiếng nước ngoài cho học viên đi học ở các nước bạn. Tại đây, học viên được học tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Hungary. Rất nhiều cán bộ chỉ huy cao cấp và nhiều Anh hùng LLVT nhân dân như: Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Tuân, Nguyễn Văn Lanh, Nguyễn Đức Soát, Phạm Trương Uy... đều qua chương trình ngoại ngữ ở đây. Phi công vũ trụ dự bị Bùi Thanh Liêm cũng vậy.

Từ năm 1970, Bộ Đại học ra quy chế thi bắt buộc vào các trường đại học, nhà trường tổ chức thêm Khối Luyện thi đại học gồm hai tiểu đoàn (D1 và D2), bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ có đủ kiến thức văn hóa để dự thi vào các trường đại học từ niên khóa 1971-1972, như vào Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự, khối A); Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y, khối B) và một số trường đại học, như: Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp Hà Nội... Từ đây, hàng nghìn học viên đã đến được các giảng đường đại học, trong và ngoài quân đội, trong và ngoài nước. Nhiều người trong số họ dần có các học vị cao sau đại học. Tỷ lệ đỗ vào đại học của hai khối này thường xuyên đạt hơn 90%, một tỷ lệ mà không một trường THPT nào lúc bấy giờ đạt tới. Nếu biết rằng thời ấy, việc dạy và học chưa hề mắc bệnh “chạy theo thành tích”, thì kết quả ấy, dù rất khiêm tốn, vẫn phải được coi là một kỳ tích! Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, UVTƯĐ, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng BQP là một trong số các học viên khối này.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhu cầu bồi dưỡng văn hóa cho các quân nhân tăng vọt nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, củng cố quốc phòng và tái thiết đất nước sau chiến tranh, BQP cho mở thêm các trường văn hóa ở các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, thì Trường VHQĐ được đổi tên thành Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng, trực thuộc bộ, vẫn đóng quân ở Thành cổ Lạng Sơn.

Từ năm 1980, trường còn làm thêm nhiệm vụ dạy tiếng Việt cho học viên Quân đội Lào và Campuchia, để họ có thể theo học các trường quân sự Việt Nam. Bây giờ, chắc nhiều cán bộ trung, cao cấp trong quân đội của các bạn vẫn còn nhớ, còn giữ mãi, mối tình hữu nghị đặc biệt ấy. Nhiều cán bộ, giáo viên của trường cũng trở thành các chuyên gia, xây dựng thành công hai trường VHQĐ Lào và Campuchia, như các đồng chí: Nguyễn Xuân Bân, Đỗ Xuân Khoát, Mai Xuân Hiến, Bùi Cao Thưởng, Đào Quyết Thắng, Nguyễn Văn Sêu, Vũ Đình Khang...

Đội ngũ giáo viên của trường, từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, được bổ sung thêm nhiều giáo viên trẻ, đầy nhiệt huyết và họ đều là những sinh viên ưu tú tốt nghiệp các trường đại học sư phạm, tổng hợp, ngoại ngữ và nhiều người đã kinh qua các đơn vị chiến đấu. Đến năm 1975, tổng số giáo viên lúc này lên đến vài trăm.

Trong số những giáo viên của nhà trường, sau này, có người trở thành tiến sĩ toán học, như: PGS, Nhà giáo Ưu tú Bùi Hữu Nghị, nguyên Trưởng khoa Toán-Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I; Nguyễn Hải Bắc, nguyên chuyên viên cao cấp Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng; có người trở thành thạc sĩ Toán học, đó là anh Trần Trí Kiệt, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn. Anh đã có không ít bài báo khoa học được đăng trên Tạp chí Toán học Nga. Anh Vương Trí Nhàn, vốn là giáo viên Văn, trở thành một nhà  lý luận, phê bình văn học nổi tiếng. PGS, TS Mỹ học, nhà lý luận-phê bình uy tín Đỗ Lai Thúy, vốn là giáo viên Nga văn. Có những người trở thành nhà thơ như anh Vương Trọng, vốn là giáo viên Toán và người viết bài này, vốn là giáo viên Vật lý. Cả 4 người vừa nói đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Có những người trở thành nhà báo chuyên nghiệp như các anh Phạm Đình Trọng, Nguyễn Chi Phan, Nguyễn Dân Quyền. Ba nhà báo ấy đều vốn là giáo viên văn.

Nhiều người trở thành những nhà lãnh đạo địa phương như các anh: Cao Văn Cường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Nguyễn Văn Thịnh, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh Lạng Sơn; Nguyễn Văn Nông, nguyên Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn... Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ hiện nay, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, cũng từng là giáo viên Toán trong trường.

Rất nhiều giáo viên khác đã trở thành những bậc thầy trong “nghề” dạy phổ thông cũng như luyện thi đại học, như các thầy: Bạch Quốc Bính, Nguyễn Chân Biểu, Mai Xuân Hiến, Chu Thế Chi, Phùng Quang Minh, Nguyễn Văn Minh,  Đào Danh Tình, Trần Sùng Lãm, Phạm Văn Khánh, Phạm Quang Lại, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Quốc Soản, Đỗ Trung Cường, Trương Hữu Cường, Bùi Cường, Võ Khắc Đôn, Trần Hữu Dực, Phạm Doãn Mậy, Nguyễn Thọ Vĩnh, Lê Hữu Diệm, Trần Công Hồng, Phan Tấn Thế... (môn Toán); Lê Hùng, Nguyễn Thân Bổng, Thẩm Gia Đạo, Nguyễn Đức Lương, Nguyễn Văn Đạt, Đoàn Ngọc Bẩy, Nguyễn Ngọc Xuân, Nguyễn Văn Sêu, Nguyễn Văn Nghị, Trần Văn Xiển, Đinh Văn Tịnh, Hà Đức Tú, Nguyễn Hữu Miện, Nguyễn Hữu Bảo, Phùng Ngọc Huyên, Long Hà, Nguyễn Tuyển, Vũ Đình Khang, Tạ Đình Điền, Đặng Hữu Trình, Võ Tam Tỉnh... (môn Vật Lý); Tạ Dũng, Nguyễn Đại Thành, Hoàng Văn Côi, Nguyễn Ngọc Thạch, Đào Quyết Thắng, Phạm Hóa, Phạm Mạnh Chuẩn, Nguyễn Văn Mộc, Phan Huy Vân, Thái Thị Long... (môn Hóa); Cao Cự An, Nguyễn Dân Quyền, Nguyễn Hữu Trường, Nguyễn Khắc Tố, Lê Đình Căn, Phạm Đăng Hiệu... (môn Văn); Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Văn Tám... (môn Sinh vật); Lê Vân Hà, Nguyễn Chí Tâm, Nguyễn Hữu Dũng, Vũ Tư Chiệc, Vũ Gia Ninh, Nguyễn Kim Thư, Trần Thị Huấn, Đỗ Đắc Luyến, Phạm Huyền Nga, Nguyễn Văn Thưởng, Lê Hữu Tiệp, Đào Ngọc Tài, Trần Thị Minh Trang, Phí Văn Hội... (môn Ngoại ngữ); Đinh Công Bắc, Nguyễn Thị Kim, Đoàn Văn Thường... (môn Lịch sử); Đinh Văn Châu, Lâm Quang Dốc... (môn Địa lý).

Hàng trăm lượt cán bộ quản lý và công nhân viên mẫn cán khác, đã sát cánh cùng các thế hệ giáo viên và học viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm là dạy tốt và học tốt mà Quân ủy Trung ương và BQP giao cho, góp phần to lớn vào truyền thống vẻ vang của nhà trường.

Đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nền giáo dục nước nhà đã đủ sức trang bị trình độ văn hóa cấp 3 (bây giờ gọi là THPT), cho những thanh niên muốn lập nghiệp trong quân đội. Họ thi thẳng vào các học viện, các trường cao đẳng quân sự, các trường sĩ quan, mà không phải qua các trường VHQĐ nữa (kể cả các trường văn hóa của quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng). Các sĩ quan trẻ cũng không còn phải học bổ túc văn hóa như trước.

Từ khóa học 1981-1982, Khối Ngoại ngữ của trường tách ra, lập nên Trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự. Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng  BQP, đã theo học trường này.

Đến năm 1990, khối văn hóa còn lại sáp nhập vào Trường Sĩ quan Lục quân 1. Trường Văn hóa BQP chính thức kết thúc vai trò lịch sử của mình.

Thế là một mái trường (với 3 cái tên khác nhau: Trường VHQĐ; Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi; Trường Văn hóa BQP), một “con đò” quân sự đặc biệt, sau 35 năm tồn tại và miệt mài sông nước (1955-1990), đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Quân ủy Trung ương, BQP trao cho và đã thôi “chở khách” từ lâu. Nó thanh thản bỏ neo trong trí nhớ của cả “người chèo đò” lẫn “khách qua sông” suốt những năm tháng “hàn vi” về văn hóa xưa của Quân đội ta, dẫu hôm nay, người còn người mất.

Một Huân chương Chiến công hạng Nhì và một Huân chương Chiến công hạng Ba đã được trao cho “con đò” ấy. Chẳng bao giờ người ta còn thấy “con đò” ấy qua sông nữa. Trang sử ấy, trang sử diệt “giặc dốt” bậc phổ thông trong quân đội, chắp cánh cho nhiều cán bộ, chiến sĩ ưu tú của Quân đội ta bay cao, vươn xa, về căn bản, đã được viết xong! Trí tuệ, mồ hôi của hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường rất đáng được ghi nhớ.

Trong Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập trường (2010), Đại tướng Lê Văn Dũng, khi ấy là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một học viên cũ của trường đã phát biểu: “... Nếu còn phiên hiệu, Trường VHQĐ-Trường Văn hóa BQP xứng đáng được trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trước mắt, cần đề nghị bộ tư lệnh các quân khu cho dựng những tấm bia lưu niệm, ghi lại công trạng của nhà trường ở những nơi Trường VHQĐ-Trường Văn hóa BQP đã đóng quân, như: Kiến An, Lạng Sơn ...”.

Dù chưa có được danh hiệu cao quý hay những tấm bia công trạng... nhưng những lời này của một học viên thành đạt từ đây cũng làm ấm lòng bao cán bộ, giáo viên, công nhân viên đã từng giảng dạy và công tác dưới mái trường này.

Nhà thơ ĐỖ TRUNG LAI