Bài 1: Cuộc Marathon chống lại chủ nghĩa bảo hộ

Tiến sĩ Hoe Ee Khor, kinh tế trưởng, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) tại Singapore nhận định, CPTPP gửi đi một tín hiệu quan trọng về cam kết khu vực mậu dịch tự do và tự do hóa thương mại chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

Một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao

Theo Tiến sĩ Hoe Ee Khor, CPTPP vẫn duy trì các cam kết tự do hóa trong những lĩnh vực chủ chốt, như: Dệt may; những rào cản kỹ thuật đối với các biện pháp thương mại; cạnh tranh; các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhỏ và vừa; lao động và giải quyết tranh chấp. Điều này, khiến CPTPP trở thành một thỏa thuận chất lượng cao, là "hiệp định thương mại thế kỷ 21".

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Hoe Ee Khor (giữa). Ảnh: AMRO

CPTPP chính thức được ký kết không những thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới, cũng như hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia. Hiệp định sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

Hiệp định này về cơ bản giữ nguyên nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Cũng như TPP, CPTPP được coi là một FTA tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống, như: Cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống, như: Lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước...

Cũng theo Tiến sĩ Hoe Ee Khor, CPTPP thể hiện là một thỏa thuận thương mại chất lượng cao, làm thay đổi cuộc chơi trong tự do hóa thương mại. Trong khi nhiều FTA tập trung vào cắt giảm thuế thì CPTPP đã "vượt xa" với việc đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng cao về cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, lao động và giải quyết tranh chấp...

Ngoài ra, hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Không chỉ ý nghĩa về mặt kinh tế, CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Lối vào vẫn mở

CPTTP có tính "mở" khi có nước khác tham gia hiệp định. CPTPP, giống như thỏa thuận TPP, cho phép các nền kinh tế khác ký kết và tham gia sau đó. Điều này thậm chí có thể bao gồm cả Mỹ nếu nước này quyết định lại tham gia hiệp định, tùy thuộc vào quá trình đàm phán với các thành viên CPTPP.

Khi quy mô thành viên gia tăng, tổng lợi ích từ thỏa thuận thương mại mới có thể sẽ tăng lên. Các nền kinh tế muốn tham gia CPTPP, tất nhiên sẽ đưa ra các lựa chọn của mình dựa trên việc nhìn nhận các thành viên CPTPP được hưởng lợi gì từ hiệp định thương mại và làm thế nào để hoàn thành các cam kết, cũng như nghĩa vụ theo quy định của CPTPP.

leftcenterrightdel
Đại diện 11 nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết ở Chile. Ảnh: The Economist

Như tuyên bố của Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản Toshimitsu Motegi, với CPTPP, giờ đây các nước thành viên đã có công cụ hữu hiệu để thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực. Những nỗ lực hồi sinh TPP, cho ra đời một CPTPP đầy tiềm năng đang tạo ra cho các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương những cơ hội lớn để tiếp tục dẫn dắt nhịp độ tăng trưởng kinh tế-thương mại toàn cầu. Sức mạnh của CPTPP sẽ trở thành công cụ tiếp sức cho thương mại quốc tế, giúp thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và giảm đói nghèo.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne khẳng định rất tự hào vì đã chứng minh được cho thế giới thấy rằng, thương mại tiến bộ chính là con đường lựa chọn đúng đắn cho tương lai. Tổng thống Chile Michelle Bachelet tuyên bố CPTPP là một cam kết về sự hội nhập và là tín hiệu rõ ràng chống lại chủ nghĩa bảo hộ, là một hình mẫu hợp tác đa phương đầy tham vọng và chiến lược trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay.

Báo New York Times dẫn lời bà Wendy Cutler, từng là nhà thương thuyết thương mại của Mỹ tham gia tiến trình đàm phán TPP, nhận định Mỹ khó có thể phớt lờ những quy định mà tất cả những nước đã nhất trí và sẽ phải xem xét kỹ lưỡng những quy định này.

Vào thời điểm khi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập đang nổi lên ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, khi Mỹ thông báo mức thuế quan 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu, khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bị kẹt ở vòng đàm phán Doha và trải qua một thập kỷ bế tắc, CPTPP là tin tốt lành cho cả thế giới.

NGUYỄN HÒA