Theo CNN, các tập đoàn IT của Ấn Độ bao gồm Tata Consultancy Services (TCS), Infosys (INFY) và Wipro (WIT)-những “ông lớn” trong ngành dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) khổng lồ của quốc gia Nam Á này, đều được thăng bậc trong bảng xếp hạng hàng năm các nhà tuyển dụng được yêu thích đối với sinh viên ngành kỹ thuật Ấn Độ. Kết quả đánh giá này dựa trên cuộc khảo sát hàng năm xếp hạng các nhà tuyển dụng được yêu thích nhất trên thế giới của hãng nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Universum, với sự tham gia của 1,3 triệu người từ hơn 50 quốc gia trên thế giới. Tại Ấn Độ, hơn 10.500 sinh viên kỹ thuật và IT từ các đại học lớn đã tham gia cuộc khảo sát.

Tập đoàn Infosys, lần đầu tiên bị loại khỏi tốp 10 vào năm ngoái, đã giành lại vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng năm nay. TCS, hãng outsourcing lớn nhất của Ấn Độ và Wipro có trụ sở ở Bangalore được tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng, lần lượt ở vị trí thứ 13 và 20.

leftcenterrightdel
Nhân viên của Tata Consultancy Services tại trụ sở ở Mumbai. Ảnh: Reuters.

Các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Google, Microsoft, Apple, Facebook và Amazone vẫn chiếm lĩnh 5 vị trí đầu tiên trong danh sách. Ấn Độ là một thị trường quan trọng đối với hầu hết các tập đoàn này và Google, Apple, Facebook, Amazon đều đẩy mạnh việc kinh doanh tại thị trường khổng lồ Ấn Độ trong thời gian gần đây.

Sinh viên Ấn Độ mặc dù vẫn coi việc có một “công việc quốc tế” là mục tiêu hàng đầu, nhưng ngày càng nhiều người trong số họ cho thấy sẵn sàng cân nhắc lựa chọn làm việc ngay tại quê hương. Theo ông Pratik Sabherwal, phụ trách tư vấn của Universum khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có một việc làm quốc tế vẫn là mục tiêu nghề nghiệp quan trọng nhất đối với giới trẻ Ấn Độ, nhưng xu thế này đã giảm đáng kể từ năm ngoái.

Không chỉ các hãng dịch vụ IT outsourcing của Ấn Độ mới gia tăng độ hấp dẫn đối với sinh viên nước này. Hãng bán hàng trực tuyến Flipkart của Ấn Độ, đã được tập đoàn bán lẻ Walmart của Mỹ mua với giá 16 tỷ USD, cũng là địa chỉ làm việc được sinh viên Ấn Độ yêu thích. Hãng này đã tăng 9 bậc từ vị trí 24 trong bảng xếp hạng năm ngoái. Và tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề Reliance Industries của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani, cũng tăng 12 bậc, lên vị trí thứ 34.

Trong tốp 10 bảng xếp hạng năm nay còn có sự góp mặt của hai nhà tuyển dụng Ấn Độ là Ngân hàng Dự trữ (Ngân hàng Trung ương) Ấn Độ và Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ.

Bảng xếp hạng của Universum được đánh giá sẽ càng khích lệ các nỗ lực cải thiện tình trạng “chảy máu chất xám”, nhất là trong ngành IT, ở quốc gia này. Thung lũng Silicon ở Mỹ, vốn được gọi với biệt danh “thánh địa Mecca” của thế giới khởi nghiệp vốn phụ thuộc phần lớn vào các tài năng nước ngoài và phần lớn trong số đó là người Ấn Độ. Từ nhiều năm nay, người Ấn Độ vẫn coi các quốc gia như Mỹ và Anh là những nơi sẽ mang lại cho họ nhiều cơ hội giáo dục và việc làm tốt hơn. Nhiều sinh viên thường muốn ra nước ngoài du học để lấy bằng cấp cao hơn, thậm chí họ chấp nhận vay tiền để thực hiện ước mơ đó. Việc này giúp họ có cơ hội tìm được những công việc tốt nhất để kiếm tiền trả nợ, và sau đó vài năm, họ có cơ hội kiếm được thẻ Xanh để định cư lâu dài tại Mỹ.

Các “cơ hội vàng” ở nước ngoài khiến nhiều tài năng hàng đầu ở Ấn Độ đã tìm cách xuất ngoại để làm thuê cho các hãng công nghệ khổng lồ trên thế giới, dẫn tới hiện tượng “chảy máu chất xám”.

Tuy nhiên, với chính sách thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh ở Ấn Độ, nhiều người Ấn Độ đang trở về quê hương để khởi nghiệp, góp phần giải quyết tận gốc rễ thực trạng “chảy máu chất xám” mà Ấn Độ đang đối mặt. Các doanh nghiệp Ấn Độ đã cùng ngồi với nhau bàn cách làm thế nào để tránh được tình trạng “chảy máu chất xám” trong các doanh nghiệp và đảm bảo chính sách “Make in India” thực sự phát huy hiệu quả.

Ông Vinay Kalantri, nhà sáng lập và là Giám đốc quản lý của The Mobile Wallet, cho rằng Ấn Độ cần thực hiện ngay các hoạt động đầu tư chiến lược để khuyến khích phát triển các doanh nghiệp trong nước. Các nhà làm chính sách cần đưa ra các chính sách “thân kinh doanh” để đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm kinh doanh toàn cầu.

Ông Vinay Kalantri cho rằng, cơ chế thông thoáng “một cửa” là cần thiết để loại bỏ tình trạng quan liêu trong xử lý các đề xuất của doanh nghiệp. Chính phủ nên thành lập các cơ quan chuyên giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp để giải quyết những mối quan tâm của các hiệp hội kinh doanh và quy trình xử lý các vấn đề cần phải được thực hiện sao cho nhanh nhất.

Ấn Độ cũng chú trọng bồi dưỡng các tài năng kinh doanh thông qua chương trình giáo dục sinh viên. Kinh doanh là một phần không thể thiếu trong chương trình học của sinh viên để giúp họ hiểu biết và có định hướng phù hợp cho nghề nghiệp tương lai. Một trong các biện pháp mà chính phủ Ấn Độ đã thực hiện là xây dựng chương trình học bổng Thủ tướng, theo đó 500 sinh viên hàng đầu của Ấn Độ và các sinh viên ngành kỹ thuật-công nghệ sẽ nhận được học bổng. Các sinh viên này sẽ được các giáo sư của các trường công nghệ thông tin tư vấn và cho các nhận xét phù hợp. Các trường đại học mới được mở trong thời gian nhanh nhất có thể để các sinh viên đón nhận nhiều cơ hội trong tương lai. Nhờ vậy, họ sẽ không thực sự cần thiết phải tới một quốc gia khác để tìm ra các cơ hội phù hợp với mình.

Ngoài ra, Ấn Độ đã thực hiện các bước thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh. Các biện pháp của chính phủ như triển khai chương trình “Ấn Độ khởi nghiệp” góp phần tạo ra các cơ hội việc làm có quy mô lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

HẠNH NGUYÊN