Bộ Chính trị nhận định thời cơ giải phóng miền Nam đã chín muồi và quyết định giải phóng Sài Gòn ngay trong tháng 4/1975. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị phê chuẩn quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cả nước dốc toàn lực cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Theo đó, hậu cần chiến lược, chiến dịch, hậu cần tại chỗ và hậu cần cơ động của các binh đoàn cơ động phối hợp, hiệp đồng đẩy mạnh việc hoàn thiện công tác chuẩn bị và bảo đảm cho Chiến dịch.
Tổ chức thế trận hậu cần
Sau Hiệp định Pa-ri, phần lớn hậu cần B2 đã chuyển từ Campuchia về miền Nam, giải thể một số đoàn hậu cần, bổ sung lực lượng cho hậu cần Quân khu 8, 9, chấn chỉnh tổ chức và điều chỉnh thế bố trí của hậu cần Miền đón thời cơ lớn. Đồng thời mở thêm hơn 900 km đường ô tô cùng mạng đường đã có nối liền các đoàn hậu cần khu vực (căn cứ hậu cần-CCHC) vươn tới Đồng Tháp Mười. Đến cuối năm 1974, hậu cần Miền có các đoàn hậu cần khu vực được bố trí từ tuyến sau ra tuyến trước, nối liền với nhau bằng hệ thống đường vận tải, gồm 2 thê đội: Thê đội 1 có 5 đoàn hậu cần làm nhiệm vụ các căn cứ phía trước; thê đội 2 gồm 3 đoàn hậu cần làm nhiệm vụ các căn cứ phía sau; kết hợp với các CCHC Quân khu 6 (ở Tánh Linh, Võ Đắc), Quân khu 7 (Bà Rịa), Quân khu Sài Gòn-Gia Định (Củ Chi), Quân khu 8 (Đồng Tháp Mười, Cần Giuộc), tạo thế trận hậu cần tại chỗ liên hoàn, vững chắc, bao vây áp sát mục tiêu Sài Gòn-Biên Hòa.
Trên cơ sở thế trận và lực lượng của hậu cần B2, được hậu cần chiến lược chi viện tối đa về mọi mặt, hậu cần chiến dịch (HCCD) gấp rút điều chỉnh thế bố trí, bổ sung lực lượng, vật chất; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần tại chỗ với hậu cần các binh đoàn hoàn chỉnh thế trận hậu cần, bảo đảm cho 5 hướng tiến công vào Sài Gòn. Theo đó, Đoàn Hậu cần 770 từ đầu cầu tiếp nhận cũ ở Bù Gia Mập xuống lập khu tiếp nhận mới ở Đồng Xoài và tổ chức tổng kho của chiến dịch. Lực lượng của Đoàn Hậu cần 220 và 340 được điều chỉnh để cùng lực lượng hậu cần trực thuộc Miền thành lập Cụm Hậu cần dự bị ở An Lộc (do Đoàn 220 phụ trách) và tăng cường lực lượng cho phía trước.
Hậu cần của lực lượng tại chỗ thuộc Miền (6 trung đoàn đặc công, các đội biệt động bộ đội địa phương thuộc Thành đội Sài Gòn-Gia Định) cũng được tăng cường lực lượng, điều chỉnh tổ chức để nâng cao khả năng bảo đảm. Mỗi mũi hậu cần đều có đội phẫu thuật nhẹ, kho đạn dược, quân nhu... kết hợp chặt chẽ với cơ sở địa phương, bảo đảm cho LLVT và biệt động hoạt động bên trong.
Ngoài ra, HCCD còn được tuyến chiến lược của Tổng cục Hậu cần và Bộ Tư lệnh Trường Sơn từ tây Trường Sơn chi viện bảo đảm đến các hướng. Để xử trí kịp thời các tình huống, hậu cần tiền phương được tổ chức ở hướng Đông và hướng Tây Nam; nhiều phái viên được cử xuống các đơn vị kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình, giúp đỡ công tác triển khai bảo đảm.
Từ ngày 8-20/4/1975, việc điều chỉnh về hậu cần cơ bản hoàn thành, đã điều thêm ra phía trước trên 10.000 người; thành lập 8 tiểu đoàn cơ động phục vụ bốc xếp, làm đường; 15 bệnh viện dã chiến và 17 đội điều trị, có khả năng thu dung 10.000 thương bệnh binh; 10 trạm sửa chữa xe, pháo. Đến ngày 25/4/1975, thế trận hậu cần chiến dịch liên hoàn, rộng khắp từ phía sau ra phía trước, cả vòng ngoài và vòng trong trên các hướng và vùng ven Sài Gòn, với tính vững chắc và cơ động, có chiều sâu từ 55-80 km đã hoàn chỉnh, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến. Tuyến trước gồm các Đoàn Hậu cần 814, 210, 230, 235, 240B và các cụm hậu cần phía trước của hậu cần Quân khu 7... Tuyến sau gồm: Đoàn Hậu cần 770, 340 và Sở Chỉ huy cơ bản của Cục Hậu cần Miền, các kho vật chất, bệnh viện tuyến sau, các xưởng sửa chữa của Hậu cần Miền.
Chuẩn bị vật chất
Để bảo đảm cho 5 quân đoàn, các đơn vị kỹ thuật của các quân chủng, binh chủng, lực lượng đặc công, biệt động... tổng cộng khoảng 30 vạn người, hoạt động tác chiến trong một tháng, nhu cầu chiến dịch cần 60.000 tấn vật chất.
Khi chuẩn bị cho chiến dịch, Hậu cần Miền đã dự trữ được 40.000 tấn vật chất (22.000 tấn quân nhu, 2.000 tấn xăng dầu, 1.000 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 15.000 tấn vũ khí đạn dược), đạt 60% nhu cầu. Nhưng đạn pháo lớn và xăng dầu chưa đáp ứng được, nhất là hướng Đông và hướng Tây Nam mới có 4.000 tấn đạn, 1.200 tấn xăng dầu. HCCD đã tận dụng và phát huy tiềm lực hậu cần tại chỗ, đồng thời gấp rút chuyển đạn dược, xăng dầu của ta và chiến lợi phẩm còn rải rác trên tuyến Trường Sơn, Tây Nguyên và Quân khu 5 vào chi viện kịp thời.
Tại B2, HCCD tập trung chỉ đạo việc thu gom vật chất và tổ chức vận chuyển gấp rút ra tuyến trước. Giai đoạn đầu, ưu tiên chuyển xuống hướng Đông và Tây Nam vừa tạo dự trữ, vừa phục vụ cho Quân đoàn 2, 4 và các lực lượng địa phương tác chiến, tạo thế cho trận tổng công kích. HCCD đã huy động tối đa xe của Miền, của nhân dân và gần 200 xe của cơ quan dân-chính thuộc Miền tham gia vận chuyển liên tục ngày đêm ra tuyến trước. Trên hướng Tây Nam, ta huy động hàng nghìn dân công, hàng trăm ghe xuồng, kết hợp với lực lượng vận tải thủy để tiếp chuyển vật chất qua Đồng Tháp Mười.
Đối với các quân đoàn cơ động từ ngoài vào, HCCD đã tập trung ưu tiên tổ chức các trạm bổ sung xăng dầu trên đường vào tập kết; tận dụng lượng đạn sẵn có ở các đoàn hậu cần để bổ sung tại chỗ; đồng thời tổ chức cho các đoàn xe vượt cung chuyển thẳng xuống hậu cần các quân đoàn, kết hợp với xe các quân đoàn về tổng kho mặt trận nhận chuyển lên; chỉ đạo các đơn vị tận thu chiến lợi phẩm ở Xuân Lộc, Chơn Thành và điều hòa những loại đạn thừa, thiếu giữa các đơn vị để bảo đảm đồng bộ.
Với các lực lượng địa phương, đặc công, biệt động, HCCD đưa đạn xuống các điểm gần vùng ven, hậu cần các đơn vị tổ chức vận chuyển luồn sâu bằng nhiều hình thức: Sử dụng bộ đội hậu cần và nhân dân địa phương, kết hợp vận tải bộ với vận tải thủy, vận tải du kích bí mật với cải trang để vận tải đường công khai hợp pháp..., triệt để tận dụng cơ sở hậu cần nhân dân địa phương để chuẩn bị vật chất tại chỗ nên các đơn vị này đều dự trữ được 1-2 tháng lương thực thực phẩm, 3-4 cơ số đạn.
Kết quả, từ ngày 04-26/4/1975, hậu cần chiến lược đã bổ sung cho HCCD 5.700 tấn vật chất (có 5.100 tấn đạn và 600 tấn xăng dầu); hậu cần các quân đoàn, đơn vị quân binh chủng mang theo vào 9.347 tấn (có 5.000 tấn đạn, 1.500 tấn xăng dầu). Tính chung, HCCD chuẩn bị được 55.000 tấn vật chất (có 25.000 tấn đạn, 4.500 tấn xăng dầu), đạt 90% kế hoạch; trong đó, dự trữ ở kho tuyến trước của HCCD là 23.000 tấn (chuyển thêm ra được 8.000 tấn đạn, xăng dầu). Riêng hướng Tây Nam-nơi xa nhất cũng dự trữ 6.000 tấn (3.000 tấn đạn, 300 tấn xăng dầu) đáp ứng nhu cầu tác chiến.
Tổng kết Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Các lực lượng hậu cần, kỹ thuật đã ra sức vươn lên khắc phục mọi khó khăn, phát huy sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Thành công rất đáng tự hào của việc bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm cơ động... đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của các binh đoàn chi viện chiến lược của ta”.
Nhìn lại 41 năm sau Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta càng tự hào về tầm nhìn chiến lược của Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng và sự sáng tạo, đóng góp, hy sinh to lớn của nhân dân, của ngành Hậu cần Quân đội trong chuẩn bị hậu cần trên các địa bàn chiến lược, góp phần quan trọng bảo đảm cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG