Tuyển người nào chắc người đó

Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa được Chính phủ giao chỉ tiêu tuyển quân với số lượng thanh niên nhập ngũ chiếm tỷ lệ 40% của cả 6 tỉnh thuộc Quân khu 4 và có 5% trở lên công dân nhập ngũ tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (ĐH, CĐ, TCCN) và cán bộ công chức, viên chức.

Để tuyển chọn được công dân có chất lượng, ngay sau khi nhận kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Hội đồng NVQS tỉnh kiện toàn và củng cố hội đồng NVQS các cấp, lựa chọn những đồng chí có năng lực vận động quần chúng tham gia, chỉ đạo các địa phương tổ chức chặt chẽ từ đăng ký thực lực thanh niên trong độ tuổi NVQS, xét duyệt chất lượng chính trị, nắm hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa đến sức khỏe từng thanh niên nhập ngũ. Phát huy dân chủ, công khai từ tổ, thôn, xóm, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển quân bảo đảm đúng theo quy định, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

leftcenterrightdel
Đại diện Hội đồng NVQS TP Sầm Sơn tặng quà, động viên và giao lưu chia tay thanh niên lên đường nhập ngũ.

Trong tổng số thanh niên đã được phát lệnh nhập ngũ chính thức năm 2018, chất lượng đạt khá cao: Sức khỏe loại 1, loại 2 đạt hơn 80%, trình độ văn hóa THPT đạt 73% và tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN đạt hơn 6%; con em dân tộc thiểu số hơn 21%; có 4 đảng viên tình nguyện nhập ngũ. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Ngô Văn Cơ, Trưởng ban Quân lực Bộ CHQS tỉnh khẳng định: “Ngay trong hội nghị tổng kết công tác tuyển quân năm 2017, Hội đồng NVQS tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ những mặt hạn chế của từng đơn vị, địa phương. Năm 2018, các huyện là cấp trực tiếp theo dõi chỉ đạo, điều hành và phân công mỗi thành viên hội đồng NVQS phụ trách, theo dõi một số xã, phường, thị trấn, đồng thời cùng với địa phương nơi được phân công, chịu trách nhiệm về chỉ tiêu, chất lượng giao quân”.

Thượng tá Đặng Tất Đắc, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bá Thước, cho biết: “Thực hiện phương châm “Tuyển người nào chắc người đó”, gắn công tác tuyển quân với tạo nguồn cán bộ cho địa phương, Hội đồng NVQS huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ thâm nhập “3 gặp, 4 biết”, đảm nhiệm địa bàn từ 1 đến 2 xã, trong đó phụ trách từ 10 đến 15 hồ sơ của thanh niên địa phương. Việc lựa chọn thanh niên nhập ngũ còn phải bảo đảm sau khi thanh niên hoàn thành NVQS trở về địa phương, tiếp tục theo dõi, giúp đỡ trở thành cán bộ thôn bản ở cơ sở…”.

Phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Đến xã Nga Thái, huyện Nga Sơn, chúng tôi được đồng chí Trần Công Văn, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng NVQS xã cho biết: “Là xã công giáo chiếm tới 90% dân số, nhưng năm nào xã cũng là đơn vị dẫn đầu trong công tác tuyển quân của huyện. Toàn xã hiện có 80% cán bộ, công chức đều đã qua quân đội. Vì vậy, việc tổ chức tuyển quân chặt chẽ, lựa chọn được những thanh niên ưu tú vào quân đội cũng chính là tạo nguồn nhanh nhất và tốt nhất cho địa phương”.

Đại tá Lê Văn Diện, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, từng nội dung công tác tuyển quân. Các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, triển khai có hiệu quả công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ. Các địa phương đã phát huy được trách nhiệm cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện nhiệm vụ tuyển quân”.  

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH