Trong nắng sớm đầu hè, trên nền nhạc của những bài hát truyền thống phát ra từ loa truyền thanh nhà trường, từng đoàn học viên chỉnh tề đội ngũ nối nhau lên giảng đường, ra bãi tập. Đưa tặng tôi cuốn tuyển tập ca khúc viết về nhà trường, Đại tá Đỗ Xuân Đô, Phó chủ nhiệm Chính trị nói: Đây là sản phẩm tinh thần đặc biệt của các thế hệ cán bộ, học viên Trường SQLQ1. Những bài ca đi cùng năm tháng viết về mái trường hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành...

leftcenterrightdel
Đội văn nghệ Trường SQLQ1 biểu diễn phục vụ học viên trên bãi tập. Ảnh: ĐỨC BÌNH

Tuyển tập ca khúc với hơn 30 bài chọn lọc từ gần 100 ca khúc viết về trường, mà phần lớn do cán bộ, học viên của nhà trường sáng tác. Trong đó, có những tác phẩm tiêu biểu như: “Trái tim Lục quân” của Phạm Tuyên, học viên khóa 5; “Vinh quang một chặng đường” của Năng Tĩnh, nguyên giáo viên nhà trường; “Từ thao trường chúng tôi đi” của Đỗ Xuân Đô, cán bộ nhà trường... Đặc biệt, bài hát “Vì nhân dân quên mình” của Doãn Quang Khải, học viên khóa 6, sáng tác 1951, còn là một trong 10 bài hát quy định trong quân đội ta. 

Với ngôn từ giản dị, gần gũi và đầy khí thế hào hùng, các ca khúc được viết lên từ hoạt động huấn luyện hằng ngày của cán bộ, học viên. Bắt nguồn từ cuộc sống bộ đội, kết tinh giá trị văn hóa tinh thần của các thế hệ Lục quân, các ca khúc đã kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, học viên thêm hăng hái luyện rèn và là “hành trang” kỷ niệm của mỗi sĩ quan trẻ khi về đơn vị chiến đấu, công tác. Là nhà trường đầu tiên của quân đội, trong hơn 70 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trường SQLQ1 đã đào tạo hàng chục vạn cán bộ, trong đó có hơn 300 đồng chí phát triển trở thành sĩ quan cấp tướng, nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội. Nơi đây còn được biết đến là “cái nôi” của văn công quân đội, với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng trưởng thành từ nhà trường như: Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Lê Lan, Doãn Nho, Xuân Tứ, Sỹ Hanh, Hoàng Đạm, Phạm Tuyên...

Đại tá Đỗ Xuân Đô cho biết: Các ca khúc về nhà trường phát trên truyền thanh hằng ngày, được bộ đội hát trên đường hành quân, lên giảng đường, ra bãi tập và trong các hội thi, hội diễn văn nghệ... trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của bộ đội Lục quân.

Cùng với những ca khúc truyền thống cách mạng, những bài hát về nhà trường đã góp phần bồi đắp thêm tâm hồn, tình cảm, ý chí để các thế hệ học viên vượt qua khó khăn gian khổ trong quá trình học tập, rèn luyện hoàn thành mọi nhiệm vụ. Học viên Nguyễn Xuân Cửu, Đại đội 27, Tiểu đoàn 9, tâm sự: “Mỗi khi nghe, hoặc hát những bài hát về nhà trường thì mọi khó khăn, vất vả, mệt nhọc đều tan biến. Chúng tôi như có thêm nguồn năng lượng mới để học tập, rèn luyện tốt hơn”. Theo năm tháng, tập ca khúc về nhà trường cũng ngày càng dày thêm. Thượng tá Lê Thành Sinh, Trưởng ban Tuyên huấn, cho biết: Nhà trường luôn khuyến khích, động viên cán bộ, giảng viên, học viên sáng tác văn học nghệ thuật làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội Lục quân...

Chiều xuống, chia tay mái trường Lục quân, nơi tôi từng có thời gian dài học tập, công tác, nhìn những đoàn quân hùng dũng từ giảng đường, thao trường về đơn vị trong những hành khúc rộn ràng, quen thuộc, tôi cứ bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm đã qua. “Trường Lục quân yêu dấu, một lần ai đến đó không thể quên...”-Tiếng hát trong bài “Vinh quang Lục quân” của nhạc sĩ Minh Quang vang lên trên loa truyền thanh nhà trường khiến lòng tôi thêm lưu luyến...

XUÂN DÂN