Trải qua 47 năm xây dựng và phát triển, khoa đã từng bước trưởng thành và lớn mạnh. Hiện nay, Khoa Sư phạm quân sự có 23 cán bộ, giảng viên, nhân viên được biên chế thành 5 tổ bộ môn; trong đó có 5 phó giáo sư, 9 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và 2 cử nhân.

Cùng với các khoa trong học viện tham gia đào tạo đội ngũ chính ủy, cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn cho toàn quân và đào tạo giảng viên các môn khoa học xã hội và nhân văn cho các học viện, nhà trường quân đội, Khoa Sư phạm quân sự đã trang bị những kiến thức cơ bản về huấn luyện, giáo dục quân nhân và vai trò của người chính ủy, cán bộ chính trị cấp trung, sư đoàn với quá trình huấn luyện, giáo dục quân nhân. Khoa còn đảm nhiệm trang bị lý luận dạy học, bồi dưỡng phương pháp dạy học, rèn luyện kỹ năng dạy học cho học viên đào tạo giảng viên các môn khoa học xã hội và nhân văn. Đại tá, PGS, TS Phan Văn Tỵ, Chủ nhiệm khoa, cho biết: “Khoa Sư phạm quân sự trở thành khoa chuyên ngành thứ hai trong đào tạo giảng viên các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Chính trị. Vì vậy, học viên Hệ Sư phạm học 4 học phần của khoa đảm nhiệm gồm: Học phần nghiên cứu khoa học, học phần lý luận dạy học, học phần rèn luyện kỹ năng dạy học, học phần lý luận giáo dục và quản lý giáo dục. Mỗi học phần trang bị cho học viên những kiến thức lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng, rèn luyện tay nghề sư phạm. Cuối khóa học, học viên thi tốt nghiệp môn chuyên ngành của Khoa Sư phạm quân sự. Học viên hoàn thành chương trình đào tạo, cùng với kiến thức theo chuyên ngành đào tạo, có thể tham gia các hoạt động sư phạm ở những nhà trường quân đội sau khi tốt nghiệp ra trường”.

Tiến sĩ Hà Minh Phương, Chủ nhiệm bộ môn Phương pháp dạy học và nghiên cứu khoa học, cho hay: “Với học phần rèn luyện kỹ năng dạy học, từng học viên chọn chủ đề bài giảng theo chuyên ngành của mình, Khoa Sư phạm quân sự trang bị những kỹ năng cần thiết, như: Kỹ năng soạn giáo án, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng sử dụng phấn bảng và các phương tiện kỹ thuật dạy học. Học viên tự chuẩn bị giáo án, thục luyện và sau đó từng giảng viên bám sát hướng dẫn và đánh giá. Học viên có dịp rèn luyện và hình thành các phẩm chất của người giảng viên tương lai”.

Theo Đại úy Trần Đình Tuấn, học viên chuyên ngành Kinh tế chính trị Mác-Lênin khóa 34, trong hai năm đào tạo ở Học viện Chính trị, học viên đào tạo giảng viên các môn khoa học xã hội và nhân văn, cùng với được trang bị kiến thức chuyên ngành, học viên được Khoa Sư phạm quân sự trang bị kiến thức về lý luận dạy học, bồi dưỡng và rèn luyện phương pháp, nghiệp vụ sư phạm trước khi học viên đi thực tập tại các học viện, trường sĩ quan trong quân đội.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Khoa Sư phạm quân sự luôn chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ năng lực, trình độ, tâm huyết với nghề. Khoa đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học để thường xuyên rèn luyện người học cả trên lớp và thông qua những hình thức ngoài giờ lên lớp, các buổi ngoại khóa, từ đó hình thành và phát triển những phẩm chất, nhân cách giảng viên các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhiều nhà trường trong quân đội.

HÀ HƯƠNG TUẤN