Công tác cổ động chiến trường thường được tiến hành với những nội dung cơ bản, gắn với từng tình huống, từng giai đoạn của tiến trình một trận đánh, hay trong diễn tập tổng hợp, nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội, tạo động lực tinh thần, sự hăng hái trong chiến đấu. Tuy nhiên, nội dung và ngôn ngữ diễn đạt của cán bộ chính trị ở một số cuộc diễn tập đôi khi còn mang tính hình thức, khuôn mẫu; thêm nữa, nhiều tình huống diễn ra trong diễn tập gần như đã được “kịch bản hóa”, nên nội dung cổ động chiến trường cũng khó có thể thay đổi. Thực tế, trong chiến đấu với địch, các tình huống thường rất phức tạp, gay cấn, ngoài dự kiến, nếu không linh hoạt, sáng tạo thì công tác cổ động chiến trường của chính trị viên hiệu quả sẽ không cao.

Khắc phục những biểu hiện trên, người chính trị viên phải có tư duy độc lập, sáng tạo thì mới có phản xạ nhanh, chính xác và cổ động chiến trường mới kịp thời, sinh động, linh hoạt, sát thực tế chiến đấu, đạt hiệu quả cao. Biện pháp cơ bản là phải đưa chính trị viên vào xử lý nhiều tình huống từ thấp lên cao và thường xuyên để có tư duy, có phản xạ nhanh, chính xác, đồng thời linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ có tính “kích hoạt”, tạo động lực tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Vốn ngôn ngữ phong phú là điều kiện rất quan trọng để chính trị viên thực hiện tuyên truyền cũng như cổ động chiến trường. Điều đó đặt ra cho chính trị viên phải thường xuyên tự học, tự rèn, phải ứng phó, xử lý thường xuyên các tình huống phức tạp thì cổ động chiến trường trong diễn tập tổng hợp, cũng như trong chiến đấu mới hiệu quả, sát thực tiễn.

NGUYỄN THÀNH