Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, trước việc một số quốc gia có xu hướng thay đổi chiến lược toàn cầu, trục Paris-Delhi-Canberra cần phải được củng cố để giữ vai trò then chốt tại khu vực. Thuật ngữ trục Paris-Delhi-Canberra mà Tổng thống Pháp khởi xướng sẽ dựa trên cam kết bảo đảm an ninh, tự do đi lại và thị trường tự do tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời bảo vệ chủ quyền chung.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (bên trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Pháp tới Sydney ngày 1-5. Ảnh: AP.

Quan điểm này nhận được sự tán thành của lãnh đạo Australia và Ấn Độ. Trong cuộc gặp với Tổng thống E.Macron, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố hai nước chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, mở và thịnh vượng, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện kế hoạch này thông qua hợp tác trong các hoạt động hàng hải. Hai bên cũng nhất trí “cùng định hình một chiến lược chung cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với lộ trình cụ thể về mục tiêu và hành động”. Phía Pháp ngỏ ý muốn chia sẻ những ý tưởng này với Ấn Độ và có thể sẽ tiến tới thảo luận ba bên thường xuyên giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng ba nước.

Theo phân tích của tờ Indian Express, Ấn Độ, Pháp và Australia có những nét tương đồng về các lợi ích chiến lược. Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là nơi Paris có hàng loạt các vùng lãnh thổ hải ngoại trải dọc khu vực như các đảo Reunion và Mayotte tại Ấn Độ Dương, các đảo Noumea, Wallis, Futuna và Polynesia tại Thái Bình Dương. Pháp cũng có căn cứ quân sự tại New Caledonia, Polynesia và đảo Reunion. Riêng tại Ấn Độ Dương, Pháp hiện có 3 căn cứ hải quân.

Thống kê của tờ Indian Express cho thấy, Pháp chiếm tới 85% vùng đặc quyền kinh tế hàng hải tại khu vực cùng với lực lượng quốc phòng 8.000 quân và 1,6 triệu công dân. Do đó không lạ gì khi trong thời gian qua, Paris tăng cường đáng kể sự hiện diện tại hai khu vực nói trên với hàng loạt hoạt động khác nhau. Từ đầu năm 2018, chương trình huấn luyện "Jeanne d’Arc" được Hải quân Pháp triển khai tại Đông Á và Nam Thái Bình Dương với sự tham gia của tàu Dixmude và tàu khu trục nhỏ Surcouf. Chưa dừng ở đó, trong tháng 2-2018, tàu khu trục Vendemiaire đã ghé thăm Nhật Bản và tham gia đợt huấn luyện với lực lượng hải quân sở tại. Hạm đội hộ tống thuộc "Jeanne d'Arc" cũng ghé thăm các hải cảng ở một loạt quốc gia Đông Nam Á, đồng thời tham gia huấn luyện với các lực lượng hải quân trong khu vực cũng như hải quân Mỹ. Có thể thấy đây là những nỗ lực của Pháp nhằm thể hiện vai trò “một cường quốc” trong khu vực.

Bên cạnh nguyên nhân về lợi ích, một lý do khác khiến chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron muốn nhanh chóng thiết lập trục “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mới cho riêng mình, đó là bởi sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở khu vực này. Những năm trở lại đây, với sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Trung Á, Nam Á và châu Phi để mở rộng ảnh hưởng của mình. Hiện, quốc gia tỷ dân đã thành lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti. Trong tương lai, Trung Quốc có kế hoạch mở một căn cứ hải quân mới, theo nhiều đồn đoán căn cứ này sẽ nằm tại bờ biển phía Nam Pakistan. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có tầm ảnh hưởng nhất định tại Maldives, một quần đảo nằm ở Ấn Độ Dương với những khoản đầu tư hàng trăm triệu USD vào việc mở rộng sân bay, phát triển nhà ở và các dự án khác tại đây. 

Phải khẳng định rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực không những bao gồm các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới mà còn là nơi chứng kiến sự gia tăng nhanh nhất các khoản chi tiêu quân sự và năng lực hải quân, sự cạnh tranh quyết liệt nhất đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như các điểm nóng cạnh tranh ảnh hưởng. Thậm chí có nhà phân tích còn cho rằng khu vực này giữ chìa khóa đối với an ninh toàn cầu. Hồi tháng 11-2017, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập ý tưởng xây dựng một “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Sau đó, khái niệm này tiếp tục xuất hiện trong Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ ở vị trí đứng đầu trong số những khu vực quan trọng đối với lợi ích của Washington. Mới đây nhất, trong dự thảo quốc phòng tài khóa 2019 đưa ra ngày 7-5, Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ kêu gọi Washington can dự nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau khi nỗ lực "xoay trục sang châu Á" thất bại dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.

HÙNG HÀ