Trong khi giới truyền thông Mỹ và phương Tây khẳng định, phía Ấn Độ đã yêu cầu chấm dứt chương trình FGFA hợp tác với Nga, thì đại diện Công ty quốc doanh Nga Rosoboronexport tuyên bố không hề có chuyện FGFA bị hủy bỏ.

FGFA không đáp ứng các yêu cầu của Ấn Độ!

Theo nhiều nguồn tin, giới chức quốc phòng Ấn Độ phàn nàn chương trình FGFA không đáp ứng được yêu cầu của New Delhi về dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 mới. Thậm chí, trang tin quân sự Defense News đăng tải, một lãnh đạo Không quân Ấn Độ khẳng định, nước này đã không còn mong muốn tiếp tục chương trình FGFA.

leftcenterrightdel
Hình ảnh về máy bay FGFA trong tương lai. 

Phía Ấn Độ đánh giá FGFA không đáp ứng được việc trang bị các hệ thống ra-đa hàng không có kích cỡ nhỏ, nhưng lại có khả năng hoạt động ưu việt hơn so với dòng máy bay thế hệ 5 F-35 Lightning II của Mỹ. Để đáp được yêu cầu của phía Ấn Độ, thiết kế của FGFA dựa trên Su-57 sẽ phải thay đổi đáng kể dẫn tới chi phí phát sinh và chậm tiến độ chương trình.

Mặt khác, thiết kế của FGFA cũng thiếu khả năng bảo dưỡng tổng đoạn theo từng mô-đun dẫn tới việc chi phí sử dụng và bảo dưỡng đắt đỏ trong tương lai. Không quân Ấn Độ yêu cầu rất cao về việc thiết kế mô-đun hóa của FGFA để giảm sự phụ thuộc vào nhà sản xuất trong tương lai và mở ra khả năng tích hợp các trang bị nội địa trên khung gầm FGFA.

Một số quan chức quốc phòng Ấn Độ còn đánh giá, việc Nga không thiết kế FGFA dạng mô-đun hóa sẽ buộc New Delhi phụ thuộc lâu dài về mặt công nghệ do toàn bộ quá trình nâng cấp hoặc sửa chữa máy bay đều phải tiến hành tại xưởng của nhà sản xuất.

Phản ứng từ phía Nga

Trong khi đó, Rosoboronexport cũng có lý do để bác bỏ các thông tin FGFA có thể đổ vỡ và coi đây chỉ là hành động “tung hỏa mù” và thao túng thông tin.

“FGFA đang được thực hiện theo thỏa thuận liên chính phủ Nga-Ấn Độ và đáp ứng mọi yêu cầu về thời gian và kỹ thuật thực hiện chương trình”, đại diện Rosoboronexport khẳng định.

leftcenterrightdel
Kế thừa các công nghệ đã được thực nghiệm trên chương trình PAK FA của Nga, FGFA sẽ giúp Ấn Độ tiến một bước dài trong quá trình làm chủ công nghệ hàng không quân sự hiện đại. 

Cùng với đó, FGFA cũng được trang bị các công nghệ hiện đại tương tự như trên dòng máy bay thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga. Điều này cũng được chuyên gia quân sự, cựu chỉ huy Không quân Ấn Độ, Vaijdir Thakur thừa nhận. FGFA cũng được trang bị động cơ AL-41F, tương tự như trên máy bay Su-57. Ngoài ra, trong tương lai, máy bay thế hệ 5 của Ấn Độ cũng được trang bị động cơ phản lực mới là “Sản phẩm số 30”. Dòng động cơ mới nhẹ hơn AL-41F 30% và có công suất, tuổi thọ cao hơn.

“Với những thông số kỹ thuật được công bố, chi phí dành cho “Sản phẩm số 30” sẽ chỉ bằng 1/3 so với AL-41F”, chuyên gia V. Thakur nói.

Nga và Ấn Độ đạt được thỏa thuận hợp tác phát triển chương trình FGFA từ năm 2007. Yêu cầu chính của chương trình là việc lắp ráp các máy bay FGFA phải được thực hiện tại Ấn Độ và Nga có trách nhiệm chuyển giao công nghệ liên quan. Cùng với đó, sau khi đáp ứng đủ nhu cầu của Không quân Ấn Độ, FGFA rất có khả năng sẽ được xuất khẩu sang nước thứ 3. Ấn Độ dự kiến sẽ chế tạo khoảng 144 máy bay FGFA trong tương lai.

Cuộc cạnh tranh nội bộ?

“Phải nhìn nhận rõ ràng là quá trình phát triển FGFA đã có nhiều sóng gió. Đây không phải là điều gì cần phải giữ kín. Điều quan trọng là tiến độ chương trình FGFA chậm trễ không phải các vấn đề kỹ thuật”, lãnh đạo Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, Konstantin Makienko đánh giá về thông tin Ấn Độ có thể rút khỏi chương trình FGFA.

Theo đánh giá của ông K. Makienko, chương trình FGFA chậm trễ phần nhiều là do Không quân Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá tới 7,98 tỷ euro mua 36 máy bay Rafale (96 triệu euro/máy bay), trong khi đó ngân sách mua sắm trang bị mới hằng năm phân bổ cho lực lượng này chỉ là 2,5 tỷ euro. Hợp đồng với Pháp đã ngốn hết ngân sách của Không quân Ấn Độ, kể cả chi phí dành cho phát triển máy bay thế hệ thứ 5.

leftcenterrightdel
Mua sắm máy bay Rafale...
leftcenterrightdel
Nâng cấp máy bay Su-30MKI Super Sukhoi...
leftcenterrightdel
Hoàn thiện máy bay chiến đấu hạng nhẹ nội địa Tejas MK II... Quá nhiều chương trình mua sắm và nâng cấp trang bị cùng lúc đang làm ngân sách cho Không quân Ấn Độ quá tải và sự cạnh tranh giữa các chương trình để được ưu tiên thực hiện trước.

Nếu tình hình hiện tại tiếp diễn, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ bị tụt lại trong cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 với nhiều quốc gia trong khu vực. Hiện tại, Trung Quốc cũng đang tích cực hoàn thiện chương trình phát triển máy bay thế hệ thứ 5 J-31 và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên là Không quân Pakistan cũng có thể sở hữu máy bay thế hệ thứ 5 trước Ấn Độ thông qua kênh Trung Quốc.

Chuyên gia K. Makienko đánh giá, nếu Ấn Độ quyết tâm dừng chương trình hợp tác quốc phòng với Nga, Moscow hoàn toàn có khả năng lựa chọn đối tác chiến lược mới trong khu vực, trong đó có Pakistan.

Mặc dù quan hệ Nga-Ấn đang ở giai đoạn nồng ấm, nhưng đã không ít lần Islamabad ngỏ ý muốn mở rộng hợp tác quốc phòng với Nga. Pakistan đặc biệt chú ý tới các dòng vũ khí Liên Xô và Nga đã khẳng định được tên tuổi tại cuộc chiến ở Afghanistan.

Việc Pakistan có thể sở hữu máy bay chiến đấu Su-35, trong khi Ấn Độ đã từ chối máy bay Mig-35 để chọn Rafale sẽ là kịch bản giới chức New Delhi không bao giờ muốn nghĩ tới.

“Ấn Độ hoàn toàn có quyền rút khỏi chương trình FGFA và Nga cũng có quyền hợp tác quân sự với Pakistan”, chuyên gia K. Makienko nhấn mạnh.

Đánh giá về thông tin Ấn Độ rút khỏi FGFA, giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, còn quá nhiều nghi vấn liên quan và nhiều khả năng truyền thông đã căn cứ vào các nguồn tin chưa được kiểm chứng để nói quá về sự việc.

Không quân Ấn Độ trong tương lai gần đang có một một loạt chương trình nâng cấp và phát triển mới: Mua máy bay Rafale, phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ nội địa, phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và nâng cấp quy mô lớn các đơn vị Su-30MKI, Mig-29, Jaguars... Cùng với đó, Ấn Độ cũng tìm kiếm dòng chiến đấu cơ mới trang bị trên tàu sân bay thứ 3 đang được đóng mới. Pháp và Mỹ với các dòng máy bay Rafale-M và F/A-18E/F Super Hornet đang là ứng cử viên cho gói thầu này. Để tăng khả năng trúng thầu, Mỹ có thể đưa ra gợi ý hỗ trợ phía Ấn Độ phát triển máy bay thế hệ thứ 5 mới.

Các chương trình mua sắm, nâng cấp quy mô của Không quân, Hải quân Ấn Độ thậm chí có quy mô vượt cả Mỹ. Với nguồn tài chính có hạn, không chắc Ấn Độ có thể cùng lúc thực hiện được tất cả. Mặt khác, mỗi chương trình nâng cấp và mua sắm đều do một đơn vị chuyên trách thực hiện và chắc chắn có sự cạnh tranh. Như vậy, rất nhiều khả năng thông tin về việc Ấn Độ rút khỏi FGFA chỉ là “cuộc cạnh tranh nội bộ”.

TUẤN SƠN