Thời cơ kèm thách thức

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015 tại Việt Nam, tỷ lệ số đăng ký sử dụng internet trên 100 dân là 48,3%; tỷ lệ số điện thoại trên 100 dân là 147%. Đánh giá của Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế BMI 2015 cho thấy Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng internet khá cao (9%/năm), xếp hạng 15 trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có 54% dân số dùng internet, tỷ lệ khách hàng của các hệ thống NHTM tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số qua điện thoại di động, internet banking chiếm khoảng 44%.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, số hóa dịch vụ ngân hàng tạo ra bước đột phá cho ngành tài chính ngân hàng. Số hóa ngân hàng có thể có nhiều chức năng tạo nhiều thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ tài chính, nhanh gọn. Tuy nhiên, ngân hàng số là loại hình có nhiều điểm khác biệt, rất mới so với mô hình ngân hàng truyền thống từ phương thức thiết kế sản phẩm, chính sách, quy trình sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng… Chính vì vậy, nền tảng khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của ngân hàng số sẽ rất quan trọng. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, hiện có hơn 80.000 doanh nghiệp tại Việt Nam bán hàng cho các công ty thương mại điện tử Amazon và Alibaba. Thanh toán xuyên biên giới đang hiện hữu và đây sẽ là sự cạnh tranh rất lớn cho các công ty dịch vụ thanh toán trong nước.

Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, khi Vietcombank phát triển ngân hàng số (Vietcombank Digital Lab) thì cái khó thứ nhất là Việt Nam chưa có mô hình nào để tham khảo, ngân hàng chỉ thông qua tư vấn, mà tư vấn mỗi nơi nói một khác. Thứ hai, trang thiết bị, công nghệ chưa theo kịp. Bên cạnh đó, yêu cầu của Vietcombank đặt ra là làm sao có thể nhận diện được khuôn mặt (face ID) một cách chính xác, nhưng không hãng công nghệ nào cam kết được. Thêm vào đó, hệ thống trợ lý, tương tác với nhân viên ngân hàng từ xa không đáp ứng yêu cầu… Cuối cùng là thói quen của khách hàng bởi khách hàng ai cũng muốn đến ngân hàng gặp giao dịch viên để được tư vấn hơn là đối diện với một cái máy.

Rào cản từ bảo mật thông tin

Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin NHNN Việt Nam chia sẻ, xếp hạng an toàn bảo mật thông tin các quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện thuộc diện trung bình yếu. Tại Việt Nam cũng phát sinh một số vụ việc tin tặc lợi dụng sự dễ dãi của khách hàng để lừa đảo, đánh cắp thông tin đăng nhập hệ thống ngân hàng điện tử, mật khẩu một lần (OTP) để thực hiện hành vi đánh cắp tiền thông qua hệ thống ngân hàng điện tử. Vì vậy, một trong những rào cản lớn cho việc bảo đảm an toàn bảo mật khi cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam là nhận thức về an toàn thông tin của người dùng trên môi trường mạng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện hành lang pháp lý còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh số hóa dịch vụ. Điều này đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như xây dựng hành lang pháp lý mới nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán trong kỷ nguyên số là rất cần thiết. Ngoài ra, đặt trong bối cảnh các “ông lớn” thanh toán điện tử trên thế giới vào Việt Nam trong thời gian qua mang đến cho người dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, nhanh chóng và thuận lợi thì ngành ngân hàng Việt Nam bắt buộc phải cải cách để hội nhập.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, cơ quan quản lý cần sớm ban hành Luật Thanh toán vì hiện nay Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ điều tiết hoạt động của các TCTD. Trong khi đó, hoạt động thanh toán hiện nay không chỉ riêng TCTD làm mà rất nhiều đơn vị tham gia vào công đoạn này. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng Giám đốc Dịch vụ Tài chính Ngân hàng, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) bày tỏ quan điểm, cần tạo ra hành lang pháp lý để các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc mở rộng dịch vụ ngân hàng số giúp tiết kiệm chi phí không chỉ cho bản thân các ngân hàng mà còn cho quốc gia. Khi ngân hàng có sự hiện diện phi vật lý đối với các chi nhánh giao dịch của mình, không cần phải tiêu tốn nhiều tiền bạc để thuê địa điểm, thuê nhân viên để vận hành chi nhánh. Trên thế giới, nhiều nước cũng trải qua quá trình thay đổi để tạo bước tiến tốt về hành lang pháp lý cho ngân hàng số. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ sự phát triển công nghệ 4.0, nhiều nước đang ứng dụng nhận diện khuôn mặt, vân tay. Tại Việt Nam, dự kiến đến năm 2019, thẻ căn cước công dân điện tử được mở và các ngân hàng có thể dễ dàng sử dụng. Đây là điều kiện thuận lợi cho ngân hàng số phát triển.

HOÀNG TRƯỜNG GIANG