Trước khi gieo hạt cần hỏi thị trường ở đâu

Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ băn khoăn về một số thực trạng hiện nay, như: Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm hơn 43% lao động, nhưng chỉ đóng góp cho GDP khoảng 18%? Nguyên nhân năng suất lao động thấp là gì?... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, còn nhiều vấn đề đặt ra trong ngành nông nghiệp, như: Thị trường, vốn và đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...

Ông Tăng Xuân Trường, thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương phản ảnh rằng: Thủ tướng và các vị bộ trưởng chắc cũng đã nắm được tình trạng dư thừa, ế nông sản xảy ra ở nơi này, nơi kia. Có nơi, người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào, thậm chí đốt bỏ cả mía vì giá quá rẻ... Đó là một thực tế rất đáng buồn đối với ngành nông nghiệp nước ta.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty TNHH MTV Hưng Việt (Hải Dương). Ảnh: Thống Nhất.

Giải đáp ý kiến của ông Tăng Xuân Trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như hiện nay. Từ nông thôn tới đồng bằng, miền núi tới miền xuôi, sản xuất nông nghiệp có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị cao. Nhưng ở đâu đó, vào thời điểm nào đó, vẫn xuất hiện tình trạng "được mùa, mất giá" nông sản và chúng ta phải tìm cách khắc phục.

Thủ tướng cho biết, hiện Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định số 210/NĐ-CP về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với kỳ vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Với hàng triệu hộ dân mà tự sản, tự tiêu, tự tìm thị trường thì khó; cho nên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia với bà con là rất quan trọng. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối, nếu tách ra thì rất khó thành công. Sản xuất nông nghiệp cần phải xây dựng quy hoạch theo vùng, sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Vấn đề thị trường cần phải được quan tâm từ khâu gieo trồng đến tổ chức sản xuất. Việc làm này cần được các cấp, các ngành và từng nông dân phải quan tâm để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trả lời tại phiên đối thoại về câu chuyện thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, bộ sẽ tiếp tục phấn đấu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Cho dù thị trường nào, chúng ta cũng phải chú ý, quan tâm đến chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả.

Khơi thông nguồn vốn tín dụng

Một vấn đề mà nông dân quan tâm là vay vốn sản xuất. Từng có gần 34 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Tô Hiến Thành (Bắc Giang) cho biết, trong những khó khăn mà anh gặp phải thì khó khăn lớn nhất là về vốn. Để duy trì sản xuất, anh phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Anh muốn biết Chính phủ có chính sách gì để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp. Cùng quan điểm, anh Võ Quan Huy (Long An) bày tỏ rằng khó tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi từ phía ngân hàng.

Trả lời vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Hiện tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp là 1,3 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế); chương trình cho vay ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao 100.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã giải ngân được khoảng 40.000 tỷ đồng; cho vay theo Nghị định số 67/NĐ-CP về phát triển thủy sản hiện ở mức hơn 10.000 tỷ đồng; chăn nuôi lợn hiện có dư nợ 27.000 tỷ đồng... Tốc độ tăng trưởng vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt khoảng 20%, trong lúc tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 7%. Về lãi suất, đến nay đã giảm khoảng hơn một nửa so với đầu năm 2013 (từ 14% xuống dưới 6,5%). Điều đó cho thấy sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. 

Tuy nhiên, cái khó người dân không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng là tính minh bạch thông tin của người dân. Chính vì thông tin chưa minh bạch, rõ ràng nên các ngân hàng không thể cho vay, bởi rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng siết chặt quy định cho vay. Riêng với những trường hợp cụ thể, Phó thống đốc khẳng định sẽ trực tiếp làm việc cùng anh Thành, anh Huy và các ngân hàng thương mại trong tuần tới để giải quyết những vướng mắc mà các anh đang gặp phải.

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, cạnh tranh cao

Tại buổi đối thoại, các vấn đề, như: Nghiên cứu, đầu tư ứng dụng khoa học-công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; quản lý vật tư nông nghiệp; môi trường nông thôn, tích tụ đất đai trong nông nghiệp và hạn điền; chương trình xây dựng nông thôn mới; bảo hiểm trong nông nghiệp… cũng được nhiều đại biểu đề cập và được đại diện các bộ, ngành giải đáp.

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nông nghiệp Việt Nam sau 30 năm đổi mới đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp vẫn chưa được phát huy. Một bộ phận nông dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo vẫn còn khó khăn, đời sống bấp bênh, sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần quan tâm đến ứng dụng khoa học-công nghệ; cần có tầm nhìn để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh. Về xây dựng nông thôn mới, cần hướng tới một nông thôn giàu bản sắc dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng cao. Thủ tướng đề nghị chính quyền các địa phương cần quan tâm đối thoại, lắng nghe nguyện vọng chính đáng của nông dân. Tái cơ cấu một cách thực sự ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh chế biến sâu; cùng với đó, cần chú ý đến chất lượng nông sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các bộ, ngành cần tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư vào nông nghiệp thông thoáng hơn. Ngân hàng Nhà nước phải sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục tín dụng cho nông nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư làm ăn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm hơn đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.  

NGUYỄN KIỂM