Thông qua đó, các doanh nghiệp (DN) có cơ hội quảng bá sản phẩm sâu rộng hơn tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc xúc tiến thương mại (XTTM) thị trường trong nước thông qua chương trình này còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Kích cầu tiêu thụ hàng Việt Nam

Có mặt tại phiên chợ hàng Việt Nam chúng tôi mới thấy được sự hấp dẫn của hàng Việt đối với người tiêu dùng trong nước, nhất là người dân vùng nông thôn. Vừa chọn quần áo tại chợ, chị Nguyễn Thị Quế (xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) vừa hào hứng chia sẻ: “Trước đây, tôi thường mua hàng hóa nước ngoài vì quan niệm hàng nhập khẩu chất lượng tốt hơn. Nhưng từ khi đi các phiên chợ hàng Việt, tôi nhận thấy sản phẩm trong nước rất phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng cũng không kém gì hàng nhập khẩu mà giá lại hợp lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên bây giờ tôi luôn ưu tiên mua hàng Việt Nam”.

Khách mua sắm hàng Việt Nam tại siêu thị Big C.

Những năm qua, nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình XTTM quốc gia, trong đó có các đề án XTTM thị trường trong nước, tính từ giai đoạn 2010-2019, Bộ Công Thương đã phê duyệt 946 đề án XTTM nội địa với tổng kinh phí 237,53 tỷ đồng. Các hoạt động XTTM thị trường trong nước tập trung vào nhóm tổ chức hội chợ hàng Việt, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và đào tạo tập huấn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ. Các sản phẩm tham gia phiên chợ hàng Việt rất phong phú, đa dạng, chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu, quần áo, giày dép, đồ truyền thống… Đáng nói, tất cả những mặt hàng này đều được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bày bán với giá hợp lý. Bên cạnh đó, chương trình dịch vụ bán hàng, hậu mãi của các DN phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng khu vực đang ngày càng thu hút đông đảo người dân vùng nông thôn ưa chuộng mua sắm hàng Việt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Trong 10 năm qua, sở công thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với sự tham gia của hơn 100.000 lượt DN và 78.000 gian hàng, thu hút hơn 5 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm, quy mô trung bình 10-20 DN/phiên với doanh số bán hàng 20-50 tỷ đồng/phiên. Tổng doanh thu mang lại đạt hơn 64,47 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, những đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn lôi cuốn đông đảo dân cư các nước láng giềng như Lào, Campuchia…

Thông qua việc tổ chức các hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt, Chương trình XTTM quốc gia đã hỗ trợ tích cực DN phát triển thị trường nội địa, tiếp cận người tiêu dùng trong nước, quảng bá tới người dân những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý. Đặc biệt, DN có điều kiện tạo lập kênh phân phối, hệ thống bán lẻ ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn, góp phần tích cực giúp các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước.

Theo đánh giá của ban chỉ đạo cuộc vận động, kể từ khi bắt đầu chương trình đến nay, các đợt bán hàng Việt về nông thôn tăng lên cả về số lượng và quy mô theo từng địa bàn. Điều này cho thấy sự chủ động, tích cực, sáng tạo của các tổ chức, DN tham gia chương trình. Qua đó, DN và người tiêu dùng có cơ hội giao lưu, trao đổi, tương tác nhiều hơn, tạo điều kiện để DN có cơ sở nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng tại mỗi địa phương nhằm điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường nông thôn. Đồng thời, giúp người tiêu dùng thấy được trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm hàng hóa thương hiệu Việt, thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, các DN Việt cũng thay đổi nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng cũng như thị trường trong nước. Người tiêu dùng đã ưu tiên lựa chọn hàng Việt, vì vậy, các DN cần chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất và quản lý để đưa ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu, vì người tiêu dùng Việt Nam.

Khắc phục những hạn chế còn tồn tại

Mặc dù mang lại những hiệu quả tích cực nhưng chương trình vẫn tồn tại nhiều bất cập cần xử lý. Các chuyến hàng khi đưa về tới xã đều diễn ra trong thời gian ngắn và không cố định khiến người tiêu dùng không chủ động được trong việc mua sắm. Mặt khác, tại nhiều điểm bán hàng, sản phẩm thiếu sự phong phú, đa dạng, chất lượng chưa ổn định nên không thật sự thu hút được người mua. Đáng nói, tại các chợ địa phương vẫn còn nhiều sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn, thậm chí còn có cả hàng Trung Quốc làm giả, làm nhái các thương hiệu của các DN trong nước... gây hoang mang cho người mua hàng.

Du khách chọn mua đặc sản trong Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Để những chuyến hàng về nông thôn phát huy hiệu quả tối đa, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường nhấn mạnh: "Mỗi DN phải mang đến những giá trị có lợi thế thực sự so với các hàng hóa khác thì mới thu hút được người tiêu dùng. Đồng thời, những sản phẩm được thiết kế ra phải phù hợp với khu vực có số lượng dân cư đông nhất, sức tiêu thụ cao nhất nhưng thu nhập còn hạn chế ở vùng nông thôn".

Đồng quan điểm trên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Cần hỗ trợ các DN cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, đào tạo tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN, giúp cho các nhà phân phối hàng hóa trong tỉnh tổ chức tốt dịch vụ thương mại, chăm sóc khách hàng thông qua các chương trình khuyến công, XTTM… Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo về nghiệp vụ, kỹ năng XTTM thị trường trong nước cùng với những giải pháp thiết thực của các sở, ngành trong phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số chuyến bán hàng.

Cùng với đó, các cơ quan, ban ngành cần tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để DN có cơ hội phát triển điểm bán cố định tại địa phương. Không chỉ vậy, TP Hà Nội cần liên kết với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại để giúp các DN giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Bài và ảnh: THÙY DUNG