Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhằm làm rõ hơn về vấn đề này.

leftcenterrightdel
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo trong chuyến tham dự Đối thoại Quốc phòng Seoul và Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 6, tháng 9-2017. Ảnh: Yên Ba

Kỳ 1: Đặc trưng của đối ngoại quốc phòng

Nhìn về lịch sử, từ thời chống phong kiến phương Bắc, dân tộc Việt đã coi đối ngoại là một mặt trận. Thế kỷ 11, sau khi đánh tan giặc Tống ở bờ bắc sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt vẫn chủ động cử người sang thuyết phục Quách Quỳ rút hết quân. Sau đó, nhà Lý tiếp tục đấu tranh ngoại giao đòi lại châu Quảng Nguyên. Thời Trần, khi quân Nguyên thất bại, ta vẫn cấp ngựa, cấp thuyền cho họ về nước. Sứ thần nhà Trần đã kiên trì, mềm dẻo đấu tranh ngoại giao, góp phần khiến nhà Nguyên phải ngừng hẳn cuộc chiến. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, bên cạnh đòn quân sự là cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì, khéo léo, thực hiện chiến lược “công tâm có sức mạnh bằng mười vạn quân” làm tan rã tinh thần chiến đấu của quân giặc. Sau khi đánh thắng quân xâm lược, Lê Lợi cấp ngựa, xe, lương thực, “trải thảm đỏ cho bại binh nhà Minh rút hết về nước”, nhằm tạo dựng quan hệ hòa hiếu, hòa bình lâu dài. Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, Nguyễn Huệ hiểu rằng: “Nước Thanh lớn hơn nước ta mười lần... nếu thắng chúng trận này, nhất định chúng sẽ ôm hận trả thù...”. Vì thế, Ngô Thì Nhậm được giao trọng trách đấu tranh ngoại giao khéo léo, cùng với tiến công quân sự, khiến vua Càn Long phải bãi binh, công nhận phong vương cho Nguyễn Huệ.

Sau khi Cách mạng Tháng  Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước. Trước ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi biện pháp ngoại giao cố tránh chiến tranh; kiên trì đàm phán ký kết Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp (6-3-1946), Tạm ước Việt-Pháp (14-9-1946) để duy trì hòa bình, đồng thời có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài giành độc lập dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngoại giao Việt Nam đã được sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, của chính nhân dân Mỹ. Với Mỹ, chúng ta thực hiện phương châm “vừa đánh vừa đàm”, tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài gần 5 năm (5-1968/1-1973), ký kết Hiệp định Paris, buộc quân Mỹ “rút lui trong danh dự” khỏi Việt Nam, tạo điều kiện giành thắng lợi hoàn toàn, hạn chế tối đa tổn thất của ta.

Như vậy trong thời bình, ngoại giao là một hoạt động quan trọng để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc. Khi buộc phải chiến đấu, chúng ta chủ động kết hợp đấu tranh chính trị, ngoại giao với đấu tranh quân sự, làm sáng tỏ chính nghĩa, tăng cường đoàn kết quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các nước anh em cùng chung chiến hào, chung lợi ích, thiết lập hậu phương quốc tế rộng rãi cho cuộc kháng chiến, cô lập kẻ thù. Khi mặt trận quân sự giành được thắng lợi quyết định, quân địch đã suy yếu, thế chiến lược không thể đảo ngược, ta chủ động hình thành thế trận ngoại giao để tiến công địch nhằm kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi nhất, kiến tạo hòa bình, hạn chế tối đa tổn thất cho ta, tạo điều kiện ngăn ngừa chiến tranh tiếp diễn. Đó là những bài học vô cùng quý giá cần được kế thừa, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

leftcenterrightdel

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chứng kiến lễ ký một văn kiện hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ tại Lầu Năm Góc, tháng 10-2017. Ảnh: Yên Ba

Để kế thừa, phát huy truyền thống đó cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về đối ngoại, trong đó có ĐNQP. Với tư duy mới, thông qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận, nhận thức về ĐNQP ngày càng đầy đủ hơn. Theo đó, ĐNQP là bộ phận, kênh đối ngoại quan trọng; tổng thể các hoạt động, biện pháp hòa bình nhằm thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng trong quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia gìn giữ hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. ĐNQP không phải là công tác đối ngoại đơn thuần của Bộ Quốc phòng, quân đội mà bao gồm các hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực quốc phòng với các nước, các tổ chức quốc tế, liên quan đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam và an ninh, hòa bình của khu vực, thế giới; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Chính phủ, trực tiếp, thường xuyên là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

ĐNQP là một thành tố quan trọng của đối ngoại quốc gia, với những đặc trưng: Một là, vừa hợp tác, vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, lợi ích quốc gia-dân tộc; hai là, góp phần bảo vệ hòa bình, tạo môi trường thuận lợi, tranh thủ điều kiện quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước; ba là góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; bốn là tranh thủ điều kiện từ bên ngoài để xây dựng quân đội.

Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng                                         

(còn nữa)