Về vấn đề gian lận, tiêu cực trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia vừa qua, khiến dư luận bức xúc, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu giải pháp trước mắt và trung hạn; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành xử lý nghiêm các sai phạm ở các tỉnh, thành phố. 

leftcenterrightdel
Sáng 1-8-2018, Chính phủ tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 7-2018 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia theo hướng gọn, nhẹ, tích cực, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội. Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, việc tổ chức kỳ thi liên tục được rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn.

Trước các sai phạm xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia tại các tỉnh Hà Giang và Sơn La, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông nhận trách nhiệm trước Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Công an để xử lý nghiêm các sai phạm, nhưng không vì sai phạm mà phủ nhận toàn bộ kết quả thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi như một số ý kiến.

Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khắc phục những thiếu xót, hạn chế trong công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Cụ thể là vấn đề đề thi chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của thi THPT Quốc gia. Trong đề thi có những câu hỏi rất khó, đòi hỏi quá cao; vấn đề cần khắc phục thứ hai là phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật, có thể dẫn đến việc làm sai kết quả thi; vấn đề công tác thanh tra, giám sát của bộ đối với các địa phương trong khâu coi thi đã được tăng cường, nhưng vẫn còn sơ hở.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi THPT Quốc gia, phục vụ cho kỳ thì THPT Quốc gia là chính. Cùng với đó là hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi. Cải tiến công tác tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính khách quan. Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, các cán bộ làm công tác thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các hội đồng thi.

Từ những lập luận đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, việc bỏ thi THPT Quốc gia tại thời điểm này là không nên. Bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo, nhưng chưa thể bỏ việc tổ chức thi THPT Quốc gia những năm tới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ với tư cách là tư lệnh ngành đã nhận trách nhiệm về sai phạm, tiêu cực của kỳ thi. Thủ tướng cho biết đã theo dõi các ý kiến của các chuyên gia, các nhà giáo dục liên quan tới công tác tổ chức thi cử. Thủ tướng nêu rõ, Thường trực Chính phủ và Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo nào thay đổi lộ trình cải cách thi cử đã đặt ra. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu để tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

QUANG PHƯƠNG