Tập trung “truyền năng lượng cho xã hội”

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch APEC CEO Summit 2017 Vũ Tiến Lô%3ḅc tin tưởng rằng “cỗ xe tam mã”: Toàn cầu hóa tích hợp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những cải cách thể chế mạnh mẽ trong các nền kinh tế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các chuỗi giá trị toàn cầu để “mọi người cùng thắng”, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, không chỉ là khát vọng mà sẽ là hiện thực trong kỷ nguyên số. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, ngày đầu tiên của hội nghị đã tập trung thảo luận vào những thách thức đặt ra đối với các chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chia sẻ tại hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh, các vấn đề liên quan đến quá trình toàn cầu hóa không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị. Để giải quyết các vấn đề này, cần phải tập trung vào việc “truyền năng lượng cho xã hội”. Cần phải có một sự chung tay giữa chính phủ và doanh nghiệp để bảo đảm sự tăng trưởng toàn cầu sẽ được lan tỏa đến rộng rãi các tầng lớp lao động.

Các doanh nghiệp APEC đánh giá cao môi trường kinh doanh ở Việt Nam

Sáng cùng ngày, tại TP Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp với hơn 60 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ do Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ-APEC phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. 

 Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, thời gian qua, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian gần đây cho thấy tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vì lợi ích của hai nước, hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực và thế giới. Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực thương mại-đầu tư. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao ngài Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Tổng thống Donald Trump cũng lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong số các nước Đông Nam Á. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước mà còn là thông điệp về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong thành quả của quan hệ hai nước có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam.  Việt Nam ghi nhận việc nhiều tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ về công nghệ thông tin, dược phẩm, thực phẩm, y tế, công nghệ cao… đã tham gia vào các hoạt động của APEC từ đầu năm đến nay, trong đó có nhiều đại diện các tập đoàn của Hoa Kỳ có mặt tại cuộc gặp này. 

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, năng lượng, kết cấu hạ tầng…; đề nghị Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ-APEC tiếp tục tìm cơ hội đầu tư và làm ăn hiệu quả, lâu dài, cùng có lợi tại Việt Nam, tiếp tục làm cầu nối cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, hỗ trợ vận động Chính phủ Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam và tăng cường kinh tế thương mại và đầu tư với Việt Nam. 

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao Việt Nam đã chuẩn bị tốt cho Hội nghị APEC 2017 thành công cũng như những nỗ lực của Việt Nam tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ-APEC khẳng định các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm cầu nối thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới. 

* Ngày 8-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với nhóm các nhà đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, New Zealand, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan… 

Các nhà đầu tư đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, thể hiện qua sự thăng hạng về môi trường kinh doanh trong các xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng Thế giới (WB); đồng thời bày tỏ niềm tin, phấn khởi, khẳng định đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp và kể cả đầu tư mua cổ phần. Các nhà đầu tư quan tâm về các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam; cho rằng vẫn còn nhiều thủ tục, còn trở ngại, cần được cải thiện hơn nữa. Các nhà đầu tư đã đưa một số khuyến nghị đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam như phát triển các loại năng lượng sạch, xu thế của tương lai; đề nghị tạo thuận lợi cho hợp tác phát triển du lịch khi mà hình ảnh Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt bạn bè, du khách quốc tế với nhiều danh lam thắng cảnh. Cùng với đó, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, muốn vậy cần chú trọng tới tầng lớp thanh niên, các doanh nghiệp trẻ-họ là tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. 

 Lắng nghe, ghi nhận ý kiến tại buổi gặp mặt, Thủ tướng hoan nghênh thiện chí của các nhà đầu tư và nhấn mạnh sẽ tiếp tục xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình hoạch định chính sách, Chính phủ Việt Nam lưu tâm ý kiến của các nhà đầu tư. Đối với một số vấn đề có thể xử lý được ngay, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết sớm như bãi bỏ các thủ tục, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu; quảng bá hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam…

APEC tiếp tục khẳng định năng lực dẫn dắt

Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, ngày 8-11, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29 đã tiến hành ngày họp đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 nhấn mạnh, từ sau AMM 28 tại Peru năm ngoái, APEC đã chứng kiến những thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Trong đó, căng thẳng khu vực, chủ nghĩa khủng bố, bất bình đẳng, thảm họa thiên tai và an ninh mạng đang đặt ra những thách thức gay gắt hơn. Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, trong năm qua, APEC đã một lần nữa khẳng định năng lực thích nghi, chuyển hóa và dẫn dắt. Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, APEC tiếp tục đóng góp vào việc bảo đảm châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, vì lợi ích của người dân và các doanh nghiệp.

AMM 29 có nhiệm vụ rà soát kết quả tiến trình hợp tác APEC trong năm 2017;  hoàn tất các công tác chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sắp tới cũng như quyết định hướng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực then chốt.

YÊN HƯNG, HẢI TOÀN và TTXVN