Trong thông báo hôm 12-11, hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca cho biết họ đang dự định tính toán lại mức giá bán vắc xin cho các đơn đặt hàng tới đây và giải trình thêm rằng khoản lợi nhuận này sẽ dùng để bù đắp chi phí liên quan đến hỗn hợp kháng thể được phát triển để ngăn ngừa và điều trị Covid-19, AFP đưa tin. 

Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot nhấn mạnh họ đang đưa ra mức giá phải chăng và theo nhiều cấp độ, phụ thuộc vào khả năng chi trả của từng quốc gia. Theo ông, loại vắc xin Covid-19 do AstraZeneca hợp tác phát triển cùng Đại học Oxford của Anh sẽ không bị đẩy giá thương mại.

Vắc xin AstraZeneca. Ảnh: AFP. 

Doanh thu từ vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca trong quý III là 1,1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với 13 tỷ USD của Pfizer và 4,8 tỷ USD của Moderna. Công ty còn công bố lỗ ròng 1,65 tỷ USD trong quý III so với mức lợi nhuận sau thuế 651 triệu USD vào cùng kỳ năm ngoái, một phần do tăng chi phí nghiên cứu và phát triển nhiều chương trình, bao gồm phương pháp điều trị Covid-19.

AstraZeneca đã cam kết bán vắc xin với giá gốc trong thời kỳ đại dịch và đang tính phí khoảng 5 USD một liều. Tuy nhiên, Soriot cho rằng mọi người "phải chấp nhận rằng Covid-19 đang trở thành bệnh đặc hữu". "Chúng ta sẽ phải học cách sống chung với nó, đồng nghĩa với khả năng tiêm nhắc lại thường xuyên", CEO của AstraZeneca giải thích.

Soriot cũng cho biết ông "không hối hận" vì mô hình phi lợi nhuận mà AstraZeneca từng duy trì, trong khi các hãng vắc xin khác thu về lợi nhuận lớn.

"Tất cả chúng tôi đều vô cùng tự hào về ảnh hưởng mà AstraZeneca đem lại. Chúng tôi đã cứu một triệu sinh mạng và hàng triệu người khỏi nguy cơ nhập viện", ông nói.

Tính đến cuối tháng 9, AstraZeneca đã cung cấp hơn 145 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chiếm một nửa nguồn cung của COVAX. Con số dự kiến tăng lên 250 triệu liều vào cuối năm nay. AstraZeneca cam kết tiếp tục cung cấp vắc xin cho những nước nghèo nhất với giá gốc.

LÊ ANH