90-100% người mắc sởi đều chưa tiêm vắc-xin
Các chuyên gia cảnh báo năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần. Đáng chú ý hai chu kỳ gần đây nhất là năm 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong. Đặc biệt thai phụ mắc bệnh sởi ngoài gặp biến chứng có thể tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh, 90-100% người chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị mắc. Một người nhiễm bệnh có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Người nhiễm virus sởi có thể lây nhiễm cho người khác thông qua giọt bắn, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do vậy, bệnh sởi rất dễ lây lan ở những nơi đông người như: Khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, ký túc xá, bệnh viện… Các triệu chứng ban đầu của sởi giống cảm cúm thông thường như sốt, chảy nước mắt, mũi, viêm đường hô hấp, phát ban. Giai đoạn lây nhiễm bệnh thường xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi phát ban.
 |
Tiêm vắc-xin đầy đủ là biện pháp tốt nhất phòng bệnh sởi. Ảnh: Phong Lan |
Trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch non yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra. Việc tiêm chủng không đầy đủ có thể khiến dịch sởi bùng phát bất cứ lúc nào, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cần thiết để ngăn chặn sởi lây truyền trong cộng đồng là ít nhất phải đạt 95%. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và gián đoạn trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ tiêm chủng sởi trong cộng đồng đang sụt giảm, số ca bệnh tích lũy qua các năm lớn sẽ là nguy cơ cho dịch bùng phát. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào năm 2021 đã có khoảng 128.000 trường hợp tử vong được xác định nguyên nhân do sởi, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi.
Sởi nguy hiểm khi có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến trẻ dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác và gặp nhiều biến chứng như: Viêm tai giữa cấp; viêm phổi nặng; viêm não; tiêu chảy; mờ hoặc loét giác mạc; suy dinh dưỡng...
Ở thai phụ, bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm kết mạc, viêm màng não cấp tính và bùng phát lao tiềm ẩn. Nếu mắc sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ có thể bị sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi trong cộng đồng cần đạt hơn 95%
Nhận định về dịch sởi quay trở lại sau một năm không có ca mắc ở TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân chính do dịch sởi bùng phát là do số trẻ chưa được tiêm vắc-xin.
“Nếu tỷ lệ tiêm phòng không đạt hơn 95-96% thì chắc chắn bệnh sởi sẽ quay lại. Nếu trong số 100 trẻ có 10 trẻ không tiêm phòng mỗi năm thì 5 năm sau sẽ có 50 trẻ và số trẻ này mắc bệnh sẽ lây rất nhanh cho toàn bộ trẻ chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm vắc-xin đầy đủ”, bác sĩ Khanh dẫn chứng.
Cũng theo bác sĩ Khanh, nguồn lây sởi trong cộng đồng không chỉ là các trẻ nhỏ mắc bệnh sởi mà còn là những trẻ lớn, người lớn mắc bệnh sởi nhưng không có triệu chứng điển hình. Đây chính là lý do nhiều ca mắc sởi không rõ nguồn lây. Ví dụ ở người lớn, triệu chứng sởi nhẹ hơn, không sốt cao và gây mệt mỏi như ở trẻ nhỏ, dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường. Người bệnh vẫn đi học, đi làm bình thường.
“Hiện ca bệnh sởi vẫn tiếp tục tăng chứng tỏ phụ huynh ý thức đến việc tiêm vắc-xin sởi chưa đúng - đủ, nếu tiếp tục như vậy thì chắc chắn bệnh sởi sẽ còn tăng nữa”, bác sĩ Khanh bày tỏ lo ngại và khuyến cáo tất cả mọi người cần tiêm chủng đầy đủ để tạo miễn dịch cộng đồng đầy đủ.
Bác sĩ Khanh cảnh báo trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc-xin và đặc biệt các trẻ không tiêm phòng vắc-xin được như mắc bệnh tim bẩm sinh, đang mắc bệnh lý điều trị nặng, suy giảm miễn dịch… rất dễ gặp biến chứng và tử vong cao nếu mắc sởi. Do đó, việc tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, kịp thời rất quan trọng vì không chỉ bảo vệ bản thân người tiêm mà còn bảo vệ cho cộng đồng, đặc biệt là các trẻ không tiêm chủng được hoặc chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin.
TP Hồ Chí Minh sẵn sàng ứng phó với dịch sởi
Trước tình hình dịch sởi đang có diễn biến phức tạp trên địa bàn, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi trên địa bàn toàn thành phố, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng.
Cụ thể, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cần chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh sởi kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Trong đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị TP Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với bệnh dịch. Cùng với đó, sẵn sàng nguồn lực, các khu vực cách ly điều trị hoặc cách ly tạm thời cho người bệnh nhiễm, nghi nhiễm sởi tùy theo quy mô và chỉ đạo của chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương; bảo đảm đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cần thiết cho nhân viên y tế khám, điều trị, chăm sóc trực tiếp cho các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi; tiến hành phối hợp điều tra dịch ngay khi có ca bệnh sởi đầu tiên.
Đồng thời, tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm soát lây nhiễm sởi. Cụ thể, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu tăng cường hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm và cách ly kịp thời ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Các trường hợp nhẹ, không có biến chứng có thể hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà, trạm y tế. Người bệnh nghi ngờ hoặc được chẩn đoán mắc sởi cần được cách ly ngay trong phòng cách ly, cách xa các phòng bệnh khác hoặc khu vực đông người đi lại.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 14-8, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi; trong đó, số ca dương tính với sởi là 346 ca và đã có 3 ca tử vong. Điều đáng nói, nhiều bệnh nhi mắc sởi do chưa được tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đầy đủ. Trong khi từ năm 2021 đến năm 2023, toàn TP Hồ Chí Minh chỉ có một ca bệnh sởi.
THÁI SƠN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.