Phát biểu tại lớp tập huấn, bác sĩ Trần Ngọc Triệu - Phó giám đốc Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tại địa phương hệ thống cơ sở khám chữa bệnh công lập, tư nhân, quân dân y kết hợp… phủ rộng đến cả các vùng huyện đảo, giúp người bệnh được tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng hơn với các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, các cơ sở khám chữa bệnh luôn trong tình trạng quá tải, năng lực quản lý, chuyên môn trong việc thu dung, tiếp nhận, điều trị người bệnh, nhất là đối với các ca bệnh cấp cứu bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi của các cơ sở khám, chữa bệnh giữa các tuyến còn chênh lệch nhau khá lớn, khiến cho các bệnh viện tuyến cuối càng phải đối mặt với tình trạng quá tải.

Hướng dẫn các học viên thực hành cấp cứu trên mô hình và các thiết bị y tế.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Triệu, Việt Nam vẫn phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và hiện đang là dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ… Vì vậy, việc nâng cao năng lực trong quản lý lâm sàng các ca bệnh cấp cứu, truyền nhiễm, đặc biệt là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng luôn là ưu tiên hàng đầu đối với các nhân viên y tế làm việc tại khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực của các bệnh viện từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, thành phố đến các bệnh viện tuyến huyện, thị xã, thành phố.

Bác sĩ Vũ Quang Hiếu - đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua nhiều tập huấn SARI đã được WHO, USAID phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức cho các cán bộ y tế làm việc tại các khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực-Chống độc, Khám bệnh và đã có những đóng góp quan trọng trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, sau gần 3 năm chống đại dịch Covid-19, nhân lực y tế các khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực-Chống độc, Kiểm soát nhiễm khuẩn có nhiều biến động. Đội ngũ cán bộ mới thay thế chưa đáp ứng với nhu cầu. Vì vậy, việc nâng cao năng lực trong quản lý lâm sàng các ca bệnh cấp cứu truyền nhiễm, đặc biệt là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng luôn là ưu tiên hàng đầu đối với các nhân viên y tế làm việc tại khoa cấp cứu, Hồi sức tích cực của các bệnh viện từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh/thành phố đến các bệnh viện tuyến huyện/thị xã/thành phố.

Tại khóa học, các chuyên gia cấp cứu đã hướng dẫn các học viên thực hành trực tiếp trên mô hình như: Cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản; Thiết lập đường thở cấp cứu; Cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao có sử dụng thuốc, máy móc; Cấp cứu rối loạn nhịp nhanh và chậm ở người lớn; Thực hành cấp cứu nhi khoa…

Với sự biến động và chuyển dịch nhân lực y tế thời gian qua, các chuyên gia mong muốn các lớp tập huấn giải quyết phần nào khó khăn về nhân lực cấp cứu và hồi sức tại các địa phương trước mắt cũng như lâu dài.

Tin, ảnh: LÊ HẢO

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.