Trong bối cảnh tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm kiểm điểm tiến độ thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các giải pháp cấp bách trong Tháng cao điểm đấu tranh phòng, chống hàng giả là sữa, thực phẩm chức năng và thuốc.
 |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TUẤN DŨNG
|
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị. Bộ Y tế luôn xác định rõ công tác quản lý các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế là nhiệm vụ then chốt trong phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung hoàn thiện, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có nhiều nội dung liên quan đến kỹ thuật, quá trình triển khai thực hiện, quản lý thực tiễn tại cơ sở… Bên cạnh đó, việc quản lý các mặt hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội còn nhiều vấn đề mới phức tạp. "Nếu chúng ta không kịp sớm chấn chỉnh, đây cũng là nội dung khó khăn cho quản lý, đặc biệt lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan đến 3 bộ cùng quản lý, việc buôn bán sản phẩm liên quan đến nhiều công đoạn", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Bộ Y tế cũng đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn tiếp theo với Bộ Công an để làm sao chấn chỉnh công tác phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như thời gian qua ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Qua thực tiễn, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều đường dây, sản phẩm vi phạm, kể cả đội ngũ cán bộ liên quan trực tiếp đến vấn đề này đã đưa ra xử lý pháp luật.
 |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TUẤN DŨNG |
Theo Bộ Y tế, từ năm 2020 đến tháng 5-2025, hơn 400 cơ sở thực phẩm bị kiểm tra, 198 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 24 tỉ đồng. Riêng năm 2024, ngành y tế đã tổ chức gần 260 đoàn thanh, kiểm tra và ban hành 46 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực dược với tổng tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Bộ Y tế tăng cường phối hợp liên ngành, ký quy chế phối hợp với Bộ Công an để điều tra và xử lý 31 vụ liên quan thực phẩm chức năng giả, chất cấm, giấy tờ giả.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng nhìn nhận khó khăn như công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, công nghệ hiện đại bị lợi dụng để sản xuất hàng giả; hoạt động kinh doanh trực tuyến còn chưa được kiểm soát hiệu quả; việc thanh tra, kiểm nghiệm tại tuyến cơ sở còn hạn chế do thiếu nhân lực và trang thiết bị.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý an toàn thực phẩm, siết chặt quản lý hoạt động đăng ký, quảng cáo, lưu hành, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra chặt chẽ việc công bố sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử; tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm sản xuất kinh doanh thuốc giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả, thiết bị y tế giả. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân nâng cao cảnh giác, cùng tham gia phát hiện và lên án hành vi buôn bán hàng giả là các sản phẩm trong lĩnh vực quản lý của Bộ.
DIỆP CHÂU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.