Công văn nêu rõ, triển khai các Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17-4, số 41/CĐ-TTg ngày 17-4 và số 55/CĐ-TTg ngày 2-5 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành các công văn về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; theo đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng mở đợt cao điểm tháng 5 đấu tranh chống sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, chỉ đạo các cơ quan chức năng (Ban Chỉ đạo 389 địa phương, Y tế, Công an, Quản lý Thị trường, …) đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; tập trung đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc phòng chống tội phạm và tội phạm có tổ chức...
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan phổ biến và yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.
 |
Lực lượng chức năng kiểm tra các loại sữa trên thị trường. Ảnh: qdnd.vn |
Theo Bộ Y tế, trong thời gian gần đây, qua công tác hậu kiểm và phản ánh từ người tiêu dùng, phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế nhận thấy tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực mỹ phẩm diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của ngành mỹ phẩm trong nước.
Để chủ động kiểm soát chất lượng mỹ phẩm lưu thông trên thị trường và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm; thực hiện hậu kiểm thường xuyên đối với các sản phẩm mỹ phẩm đã lưu thông trên thị trường, thông qua việc lấy mẫu kiểm nghiệm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng.
Cùng với đó chỉ đạo ngành Y tế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng: Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Thuế, Ban Chỉ đạo 389 địa phương phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán mỹ phẩm giả, không đạt chất lượng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật...
AN NHIÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.