Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của luật.
 |
Ảnh minh họa: vtv.vn |
Trong đó, đáng chú ý, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 12 về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; trong đó, quy định rõ các nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, bao gồm:
1) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân nhân, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
2) Học viên quân đội, học viên công an, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí người Việt Nam;
3) Học viên quân đội, học viên công an, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí người nước ngoài;
4) Học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ 3 tháng trở lên chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
5) Dân quân thường trực;
6) Người có công với cách mạng, cựu chiến binh; người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc theo quy định của Chính phủ;
7) Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;
8) Trẻ em dưới 6 tuổi;
9) Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ;
10) Thân nhân của người có công với cách mạng và cá nhân có liên quan theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại điểm 9.
11) Thân nhân của các đối tượng quy định tại các điểm 1, 2, 3;
12) Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;
13) Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam;
14) Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người dân tộc thiểu số đang cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang cư trú tại xã đảo, huyện đảo;
15) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;
16) Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;
17) Người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng;
18) Người từ đủ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;
19) Người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
20) Người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đang trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Đại diện cơ quan thẩm tra đánh giá, dự án luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám. Tuy nhiên, để đảm việc thông qua trong một kỳ họp, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, khắc phục những khó khăn, bất cập đã được nhận diện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn....
ANH PHƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.