Bộ Y tế cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh (từ các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi...; các bệnh dự phòng bằng vaccine như bạch hầu, ho gà, uốn ván, đến các bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập từ nước ngoài như đậu mùa khỉ).

Theo Bộ Y tế, năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong tháng 12-2023 thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do Covid-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11-2023; các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, hiện biến thể JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Bộ Y tế  

Tại Việt Nam, năm 2023, tình hình các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát và cơ bản đạt mục tiêu chung là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm giai đoạn 2016-2020; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên theo Bộ Y tế, công tác phòng, chống dịch ở nước ta vẫn còn một số khó khăn như: Dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiếp tục xuất hiện; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi.

Các địa bàn trọng điểm về sốt xuất huyết với số mắc lưu hành hằng năm cao đều là những địa phương đông dân cư, tình trạng đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, khu công nghiệp, tình trạng di biến động dân cư với nhiều khách du lịch, học sinh, sinh viên… nên khó khăn trong kiểm soát ca bệnh và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch.

Tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, chưa đạt tiến độ đề ra, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số sinh sống nên khả năng miễn dịch giảm theo thời gian.

Một số nơi chưa thực sự chủ động để bảo đảm hậu cần, phục vụ công tác phòng, chống dịch dẫn đến việc không sẵn sàng về thuốc, sinh phẩm, vaccine, hóa chất, vật tư, trang thiết bị cho các hoạt động giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, đậu mùa khỉ.

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam dự báo vẫn diễn biến khó lường trong thời gian tới và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; chủ động theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài tại cộng đồng.

Các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế và bảo đảm thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm...

CHUNG VIỆT

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.