Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội Nguyễn Xuân Tịnh cho biết: "Mù lòa và suy giảm thị lực không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân mà còn tạo ra gánh nặng lớn cho gia đình, xã hội và hệ thống y tế. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành y tế cùng sự chung tay của cộng đồng, công tác phòng, chống mù lòa trên địa bàn Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn đặt ra nhiều thách thức đó là tỷ lệ mắc các bệnh tật về mắt như đục thể thủy tinh, tật khúc xạ, võng mạc tiểu đường vẫn còn cao, nhiều bệnh nhân chưa được cứu chữa kịp thời.

Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DUY TUÂN 

Khi triển khai chương trình phòng, chống mù lòa cũng gặp không ít khó khăn như việc thiếu nhân lực và trang thiết bị, cán bộ phụ trách phòng, chống mù lòa kiêm nhiệm nhiều công việc, chế độ thống kê báo cáo chưa đầy đủ, các bệnh viện tư nhân có chính sách mở… Do đó, hoạt động phòng, chống mù lòa năm 2025 đặt ra mục tiêu tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng, chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân trên địa bàn TP Hà Nội.

Cụ thể, giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,3 người trên 1.000 dân. Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,9 người trên 1.000 dân. Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 60%. Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 80%.

Bệnh viện Mắt Hà Nội ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để điều trị bệnh mắt, phòng, chống mù lòa cho người dân. Ảnh: DUY TUÂN

Phát biểu tại hội nghị, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho rằng, khuyết thị ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Ảnh hưởng thị lực có thể gặp nhiều tai nạn trong sinh hoạt cũng như cản trở sinh hoạt làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Theo báo cáo, toàn Việt Nam có khoảng 2.000.000 người có vấn đề ảnh hưởng về thị lực. Hà Nội có khoảng 500.000 người mắc đái tháo đường, khoảng 1.400.000 người tiền đái tháo đường và rất nhiều người cao tuổi đái tháo đường biến chứng mắt thị lực giảm không phòng tránh được.

Do vậy, công tác truyền thông là ưu tiên số một. Cần truyền thông đến cán bộ y tế, đặc biệt là tại các trạm y tế, trung tâm y tế, từ đó giúp người dân thay đổi nhận thức, nâng cao kiến thức về các bệnh gây mù thường gặp. Mặt khác, việc tổ chức sàng lọc và chuyển tuyến điều trị cũng rất quan trọng. Các bác sĩ hay điều dưỡng trạm y tế nếu được hướng dẫn bước đầu có thể khám sàng lọc ban đầu. Những bệnh nhân mắc các bệnh thông thường sẽ được tư vấn điều trị tại cơ sở, chuyển về Bệnh viện Mắt Hà Nội quản lý và điều trị những trường hợp quá khả năng điều trị tại tuyến dưới.

PHƯƠNG LY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.