Đây là hoạt động nằm trong Dự án "Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin" do Quỹ Toàn cầu phòng chống lao, HIV và sốt rét tài trợ; với mục tiêu cập nhật và dự báo tình hình véc tơ sốt rét cho các tỉnh có sốt rét lưu hành nặng tại Việt Nam.
Theo thông tin của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, với sự nỗ lực của cán bộ tại tất cả các tuyến y tế từ Trung ương đến địa phương, chương trình phòng, chống và loại trừ sốt rét những năm qua đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Tính đến hết năm 2022, toàn quốc đã có 42 tỉnh, thành phố được công nhận đạt tiêu chí, hồ sơ xác nhận huyện, tỉnh loại trừ bệnh sốt rét. Theo lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến 2030 đã được Bộ Y tế phê duyệt, năm 2023, Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện loại trừ sốt rét tại 4 tỉnh, thành phố.
 |
Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại hội nghị.
|
Trong 10 tháng đầu năm 2023, số ca sốt rét trên toàn quốc là 394 trường hợp, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung chủ yếu ở Khánh Hòa (166 trường hợp) và Lai Châu (93 trường hợp), Gia Lai (9 trường hợp). Hai điểm nóng sốt rét tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa có tình hình sốt rét phức tạp, vẫn chưa xử lý được.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã nêu ra những khó khăn trong công tác thanh toán bệnh sốt rét như: Người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao (khoảng 7 triệu người), bệnh sốt rét lưu hành chủ yếu ở vùng rừng, vùng biên giới, vùng sâu, vùng dân tộc ít người; ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc; muỗi kháng hóa chất diệt; cung ứng thuốc điều trị bệnh sốt rét gặp khó khăn…
Để Việt Nam có thể đạt mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030, ông Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh, y tế địa phương, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao là dân di biến động vào các khu vực có sốt rét lưu hành.
Tại các cơ sở y tế cần đáp ứng cơ bản về thuốc, vật tư xét nghiệm phát hiện sốt rét; thực hiện các biện pháp phát hiện bệnh sớm, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét theo Quyết định số 3377/QĐ-BYT ngày 30-8-2023 của Bộ Y tế; tăng cường công tác giám sát dịch tễ, báo cáo trường hợp bệnh; theo dõi, đánh giá tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc.
Tin, ảnh: TUẤN SƠN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.