Tại buổi truyền thông, bác sĩ Lê Công Thiện- Trưởng phòng Tâm thần nhi- Thanh thiếu niên (Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia- Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, đến nay, rối loạn học tập của trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người vẫn quan niệm, trẻ chậm đọc hay viết là vấn đề bình thường, đến độ tuổi nào đó sẽ hết. Thế nhưng, gần đây, trong số nhiều bệnh nhân tới khám tại Viện do gặp các vấn đề về kỹ năng, các bác sĩ đã ghi nhận một số trường hợp mắc rối loạn học tập.

Các bác sĩ tại buổi truyền thông về các rối loạn học tập ở trẻ

Phân tích về rối loạn học tập, theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến- phòng Tâm thần nhi – Thanh thiếu niên, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập kém. Các rối loạn học tập ở trẻ được mô tả là không đạt được kết quả tốt trong các lĩnh vực học tập như đọc, diễn đạt bằng ngôn ngữ viết hoặc toán học khi so sánh với khả năng trí tuệ tổng thể của trẻ đó. Các rối loạn học tập bao gồm rối loạn đọc, rối loạn viết, rối loạn tính toán. Trong đó, rối loạn đọc phổ biến nhất, chiếm 80% những người được xác định có khuyết tật học tập, với tỷ lệ khoảng 10-36% trẻ tuổi đi học, 3-12% dân số, thường ở trẻ trai. Tỷ lệ cao đồng diễn với khuyết tật tính toán. Còn rối loạn tính toán thường xảy ra ở 5-8% trẻ. Ngoài ra, 53% trẻ em bị khuyết tật đọc cũng bị khuyết tật toán học, trong khi 46% trẻ em bị khuyết tật toán học cũng bị khuyết tật về đọc. Rối loạn đọc cũng có khả năng di truyền cao.

Bác sĩ Viện sức khỏe Tâm thần quốc gia tư vấn cho bệnh nhân 

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, khi cha mẹ thấy con có các rối loạn học tập, nỗ lực nhiều mà không đạt được kết quả như công sức bỏ ra và loại trừ các khiếm khuyết, khuyết tật trí tuệ, thị giác hoặc thính giác... thì cần nghĩ đến rối loạn học tập, đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Trẻ mắc rối loạn học tập cần có sự can thiệp các kỹ năng học tập, giúp trẻ từng bước khắc phục hoặc giảm thiểu các rối loạn đọc, viết, tính toán… Đồng thời theo dõi các cả các rối loạn tâm thần khác có liên quan như rối loạn cảm xúc, lo âu, trầm cảm.

Do đó, các bác sĩ lưu ý phụ huynh nên theo quan tâm và theo sát con khi con bắt đầu đi học để sớm phát hiện những bất thường của trẻ (nếu có) và đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên môn để thăm khám và điều trị kịp thời. Tùy vào từng loại rối loạn sẽ có phương pháp điều trị cụ thể.

Tin, ảnh: HÀ VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.