Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều đã đạt gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm một mũi vaccine, số tiêm đủ 2 mũi của Hà Nội là 18,73%, TP Hồ Chí Minh khoảng 40%.

10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất (số mũi tiêm/số vaccine được cấp theo quyết định) cập nhật đến trưa 28-9 là Lạng Sơn, Đồng Tháp, Lào Cai, Bình Phước, Cà Mau, Đà Nẵng, Phú Thọ, Cao Bằng, Điện Biên và Vĩnh Long.

10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất (số mũi tiêm/số vaccine được cấp theo quyết định) cập nhật đến trưa 28-9 là: Hưng Yên, Bắc Kạn, Yên Bái, Quảng Trị, Kiên Giang, Hải Phòng, Hoà Bình, Hà Nam, Quảng Ngãi và Quảng Bình.

Đến nay Việt Nam đã tiếp cận khoảng gần 57 triệu liều vaccine các loại khác nhau gồm: AstraZeneca, Moderna, Vero Cell, Pfizer, Sputnik V, Abdala...

Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chiều 26-9, trả lời về số lượng vaccine dự trữ cho lượng dân ngoại tỉnh sau ngày 1-10 trở về TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Theo ước lượng, trước khi người dân rời TP Hồ Chí Minh do giãn cách thì tổng số dân tại TP Hồ Chí Minh là khoảng 7,2 triệu người. Như vậy tính tới 25-7, thành phố đã tiêm gần 7 triệu cho mũi 1. Nếu không có sự đột biến về lượng người thì thành phố đủ sức tiêm cho người dân ngoại tỉnh về thành phố. Tuy nhiên, ông Tâm cho biết, đây là số lượng trước dịch và cần có sự tính toán thêm.

* Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong ngày 27-9, toàn thành phố tiêm được 58.254 mũi; trong đó 7.123 mũi 1; 51.131 mũi 2; các quận, huyện, thị xã tiêm được 5.800.802 mũi, trong đó có 5.030.212 mũi 1 và 770.590 mũi 2; các bệnh viện Trung ương tiêm được 1.073.350 mũi, trong đó có 765.491 mũi 1 và 307.859 mũi 2. Như vậy, toàn thành phố tiêm được 6.874.152 mũi, trong đó, 5.795.703 mũi 1 (đạt 96,3% dân số trên 18 tuổi và 69,8% tổng dân số), tiêm được 1.078.449 mũi 2 (đạt 17,9% dân số trên 18 tuổi và 13% tổng dân số).

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 là yếu tố tiên quyết trong công tác phòng, chống dịch. Hiện nay tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 tại Hà Nội cơ bản đã được bao phủ. Tuy nhiên, người dân vẫn phải chờ đủ thời gian tiêm mũi 2 cũng như chờ vaccine. Do đó, Hà Nội phải đạt mục tiêu tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19, bởi khi đủ thời gian mà chưa thực hiện sẽ bị giảm tác dụng. Nhưng để làm được điều này, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng nguồn vaccine cần phải tự chủ.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân/Ảnh minh họa/chinhphu.vn. 

* Để chủ động tổ chức công tác tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh đợt 7 năm 2021.

Đối tượng triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 trong đợt 7 là người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp với số lượng là 200.000 liều vaccine Vero Cell. Các đối tượng theo kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 11-8-2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021 với số lượng 48.000 liều vaccine Astra Zeneca. Phạm vi triển khai đồng loạt tại 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm chủng do cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng tổ chức theo kế hoạch của các địa phương, bao gồm: Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện (kể cả công lập và tư nhân); trung tâm Y tế; trạm Y tế; cơ sở y tế tiêm chủng dịch vụ; cơ sở y tế các Bộ, ngành... Ngành y tế chủ động bố trí sẵn sàng các tổ, đội cấp cứu lưu động thường trực tại các điểm tiêm chủng với đầy đủ các điều kiện nhân lực, thuốc, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu sẵn sàng xử lý các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng có thể xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiêm chủng. Đồng thời huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể tại địa phương hỗ trợ công tác tổ chức buổi tiêm chủng, bảo đảm an toàn tiêm chủng, an toàn phòng, chống dịch Covid-19; an ninh, trật tự tại tất cả các điểm tiêm chủng.

* Thực hiện Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022, đến nay tỉnh Nam Định đã tiếp nhận hơn 240.000 liều và đã phân bổ cho các địa phương, đơn vị. Các đơn vị ngành Y tế đã triển khai tiêm đảm bảo an toàn, với tỷ lệ sử dụng vaccine cao không để hao phí hiệu quả.

Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng với công suất mỗi địa huyện, thành phố ít nhất 3.000 liều/ngày, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng và đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine, sở Y tế yêu cầu các phòng Y tế, trung tâm y tế các huyện tập trung triển khai tiêm vaccine ngay sau khi tiếp nhận với công suất tối đa, đảm bảo an toàn cho người được tiêm, nhân viên y tế và an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình tiêm chủng. Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho tất cả các đối tượng trên 18 tuổi trở lên, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch như: Y tế, công an, quân sự, lực lượng cung cấp nhu yếu phẩm, người tại địa bàn thực hiện theo Chỉ thị 15, giáo viên, công nhân trong khu công nghiệp... Chủ động rà soát danh sách, lập kế hoạch tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng đã tiêm mũi 1, đủ thời gian tiêm mũi 2; sử dụng loại vaccine để tiêm mũi 2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

* Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tỉnh Quảng Trị, tỉnh đang nỗ lực tập trung các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine một cách an toàn, đạt hiệu quả; tập trung tiêm cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tính đến nay triển khai tiêm 68.560 liều vaccine và sẽ hoàn thành trước ngày 1-10, trong đó tỉnh dành riêng 9.360 liều vaccine để tiêm cho người trên 80 tuổi.

Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh đã sẵn sàng và đầy đủ năng lực để tiêm 24.000 liều/ngày ở 114 điểm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là thiếu vaccine.

Trong đợt này tỉnh Quảng Trị được Bộ Y tế phân bổ 200.000 liều vaccine phòng Covid-19, tuy nhiên số vaccine này chưa đủ điều kiện để tiêm chủng vì thiếu giấy xuất xưởng nên tỉnh đang điều chỉnh phương án tiêm để phù hợp với tình hình thực tế. Hiện tại, địa phương đã gửi tờ trình đến các đơn vị có liên quan.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉnh Quảng Trị là một trong số 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất trong cả nước với 66,77% số vaccine được cấp. Nguyên nhân được đưa ra là do dù tỉnh đã nhận được quyết định phân bổ nhưng lại chưa được cấp vaccine trên thực tế. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị, tính đến 7 giờ ngày 27-9, trên địa bàn đã có 30.612 người đã được tiêm mũi 1 và có 40.419 người được tiêm mũi 2.

THÁI SƠN (tổng hợp)