Dự buổi gặp mặt có bà Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Tiến sĩ Eric Dzuiban, Giám đốc Quốc gia, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) tại Việt Nam.

Ông Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu khai mạc.  

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam đang tập trung vào 2 hướng để giảm thiểu HIV/AIDS là tạo hàng rào bảo vệ K=K và ngăn chặn HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Tuy nhiên, công tác này đang gặp phải rất nhiều khó khăn về nguồn lực để đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM bởi quần thể này ẩn và rất khó tiếp cận.

Đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tiến sĩ Eric Dzuiban đánh giá, Việt Nam là một trong những nước đi đầu nhân rộng, mở rộng phòng chống HIV/AIDS, có thể kể đến là sử dụng dịch vụ dự phòng phơi nhiễm trước HIV (PrEP). Điều này đã góp phần đáng kể công cuộc chấm dứt HIV/AIDS của Việt Nam, năm 2022, tỷ lệ sử dụng dịch vụ này tăng 59,5% nhờ đó số ca nhiễm mới giảm 56%. 

Tiến sĩ Eric Dzuiban, Giám đốc Quốc gia, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá về tình hình HIV/AIDS tại Việt Nam. 

Th.S Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay, năm 2023 toàn quốc có 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có 10.219 số ca nhiễm mới, có 1.126 ca tử vong. Hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh, độ tuổi từ 16-29 có xu hướng tăng cao. Xu hướng nhiễm HIV là nam giới vẫn giữ xu hướng tăng và chiếm hơn 80% tổng số ca mới hàng năm. 

Tính đến hết quý III đã có 60.020 người sử dụng PrEP ít nhất 1 lần, hơn 80,6% nhóm đối tượng MSM tham gia. Về tình hình điều trị ARV, tính đến ngày 14-9-2023, Việt Nam có 177.009 người điều trị (174.261 người lớn và 2.748 trẻ em) tại 534 cơ sở y tế điều trị HIV với 506 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Quang cảnh buổi gặp mặt 

Th.S Bùi Hoàng Đức cho biết thêm, để kỳ vọng Việt Nam chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 là điều khó thực hiện. Thực tế cho thấy, dựa trên phân loại của WHO, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao (NCMT, MSM, PNBD). Nguy cơ nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex… Khả năng tiếp cận triển khai can thiệp rất khó vì sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh.

Tin, ảnh: HỒNG PHÚC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.