Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Với thể nhẹ chủ yếu điều trị triệu chứng. Ở thể này cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có: Viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức. 

leftcenterrightdel
Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở nhiều quốc gia. Ảnh minh họa 

Với thể nặng, cần điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã an hành. 

Thuốc điều trị đặc hiệu được chỉ định cho những người có biến chứng nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não...); người bị suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid liều cao...); trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi; phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú; những người đang có bệnh cấp tính tiến triển. Các thuốc điều trị sử dụng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo Bộ Y tế, người nhiễm virus đậu mùa khỉ có thể không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào hoặc có thể nhẹ. Thể nặng thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao, như: Phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người được tiêm vắc xin đậu mùa được bảo vệ ít nhất 85% với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, thế giới đã loại trừ vĩnh viễn bệnh đậu mùa từ cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước, vì thế hiện nay rất ít nước còn dự trữ vắc xin đậu mùa. Hiện nay chưa có chỉ định tiêm vắc xin rộng rãi với bệnh đậu mùa khỉ với tất cả mọi người dân.

THÁI AN