Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ của dự án hợp tác giữa Chương trình Chống lao Quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) triển khai đào tạo nhằm nâng cao năng lực đảm bảo chất lượng xét nghiệm lao cho nhân lực thực hiện xét nghiệm lao tại Việt Nam.
Việc đảm bảo dịch vụ xét nghiệm lao (TB) chất lượng cao trong các cơ sở y tế là hoạt động rất cần thiết để phát hiện hiệu quả các trường hợp mắc bệnh lao và theo dõi kết quả điều trị bệnh nhân lao. Tuy nhiên, việc duy trì chất lượng kết quả xét nghiệm trong phòng xét nghiệm vẫn là một thách thức đáng kể trong các môi trường hạn chế về nguồn lực.
|
|
Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: AN AN |
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2022 Việt Nam đã phát hiện và báo cáo 103.804 ca bệnh lao, chiếm khoảng 60% tổng số ca lao ước tính tại Việt Nam. Như vậy, Việt Nam vẫn tồn tại một khoảng trống lớn trong chẩn đoán phát hiện các ca lao trong cộng đồng.
Để nâng cao tỉ lệ phát hiện ca lao trong thời gian tới, Chương trình Chống lao Quốc gia đang tập trung nguồn lực để mở rộng tiếp cận các xét nghiệm phân tử nhanh chẩn đoán lao do WHO khuyến cáo. Cùng với việc tăng cường, mở rộng phạm vi và số lượng xét nghiệm lao, Chương trình Chống lao Quốc gia cũng chú trọng đến đảm bảo chất lượng xét nghiệm như là yếu tố then chốt trong việc phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lao và theo dõi điều trị hiệu quả. Để đảm bảo độ chính xác, kịp thời và tin cậy của các kết quả xét nghiệm lao, việc đẩy mạnh triển khai chương trình đảm bảo chất lượng, bao gồm hình thức ngoại kiểm là điều hết sức cần thiết đối với các Chương trình Chống lao Quốc gia. Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình ngoại kiểm này còn gặp nhiều hạn chế do chi phí cao và sự sẵn có dịch vụ còn hạn chế.
|
|
Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
|
Hội thảo là diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách toàn cầu, các nhà lãnh đạo của chương trình chống lao quốc gia và các phòng xét nghiệm lao khu vực chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, các khuyến nghị nhằm cải thiện và đảm bảo chất lượng xét nghiệm trong chẩn đoán lao và lao kháng thuốc.
AN AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.
Hiện nay, công tác chống lao tại Việt Nam còn gặp không ít khó khăn và thách thức.
Ông Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh cho biết, số bệnh nhân lao được phát hiện hằng năm tại nước ta mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính, tức có hơn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.