Lâm Đồng, Hải Dương, Thái Nguyên F0 giảm mạnh
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca Covid-19 như sau: Hà Nội (937), Phú Thọ (702), Quảng Ninh (408), Yên Bái (382), Nghệ An (381), Vĩnh Phúc (351), Lào Cai (338), Hải Dương (326), Đắk Lắk (268), Tuyên Quang (265), Bắc Kạn (262), Bắc Giang (247), Thái Bình (229), Gia Lai (228), Thái Nguyên (215), Cao Bằng (203), Nam Định (202), Hưng Yên (175), Quảng Bình (158), Sơn La (158), Hòa Bình (137), Ninh Bình (137), Lai Châu (128), Hà Giang (128), Bắc Ninh (125), Hà Tĩnh (116), Đà Nẵng (107), Quảng Trị (103), Đắk Nông (91), Vĩnh Long (86), Quảng Nam (82), Lạng Sơn (79), Tây Ninh (78), Điện Biên (77), Hà Nam (68), TP Hồ Chí Minh (64), Thanh Hóa (53), Hải Phòng (43), Bình Dương (42), Bình Phước (37), Bà Rịa - Vũng Tàu (34), Cà Mau (32), Bình Định (31), Bình Thuận (22), Bến Tre (17), Long An (16), Phú Yên (13), Cần Thơ (13), Thừa Thiên Huế (12), An Giang (10), Kiên Giang (5), Bạc Liêu (5), Hậu Giang (2), Đồng Nai (1), Trà Vinh (1), Kon Tum (1).
 |
|
Ngày 26-4-2022, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 40.000 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng (-124), Hải Dương (-68), Thái Nguyên (-63). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (+209), Bắc Giang (+195), Đắk Lắk (+108).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.212 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.620.203 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.357 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.612.454 ca, trong đó có 9.113.408 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.582.620), TP Hồ Chí Minh (608.112), Nghệ An (480.366), Bắc Giang (384.856), Bình Dương (383.281).
23.465 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
Ngày 25-4, Bộ Y tế cho biết, 23.465 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.116.225 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 620 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ: 508 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 47 ca; thở máy không xâm lấn: 12 ca; thở máy xâm lấn: 52 ca; ECMO: 1 ca.
Số lượng xét nghiệm từ ngày 27-4-2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.493.305 mẫu tương đương 85.792.898 lượt người, tăng 1.454 mẫu so với ngày trước đó.
8 ca tử vong do Covid-19
Ngày 26-4, cả nước ghi nhận 8 ca tử vong tại: Đắk Lắk (3), An Giang (1), Hà Tĩnh (1), Phú Thọ (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 8 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.029 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Hơn 213 triệu liều vắc xin đã được tiêm
Trong ngày 25-4 có 461.627 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 213.061.726 liều, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 194.827.474 liều: Mũi 1 là 71.435.780 liều; mũi 2 là 68.619.646 liều; mũi 3 là 1.505.852 liều; mũi bổ sung là 15.216.739 liều; mũi nhắc lại là 38.049.457 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.354.263 liều: Mũi 1 là 8.894.799 liều; Mũi 2 là 8.459.464 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 879.989 liều (mũi 1).
 |
Tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: nhandan.com.vn |
Thời gian tới sẽ bỏ khai báo y tế phòng, chống dịch Covid-19
Tại Hội nghị trực tuyến quán triệt việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án 06, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian tới sẽ bỏ khai báo y tế phòng, chống dịch Covid-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam không còn áp dụng truy vết dịch tễ và đang trở lại cuộc sống bình thường, vì vậy không còn áp dụng khai báo y tế nội địa.
Về vấn đề này, Cục Y tế Dự phòng sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương từng bước thực hiện quá trình bình thường hóa, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Hiện chưa rõ vào thời điểm nào có thể bỏ khai báo y tế.
Với khai báo khi nhập cảnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết cũng đã yêu cầu phải trở lại trạng thái bình thường, tức là chỉ khai báo theo đúng điều lệ quốc tế, trong đó yêu cầu thông tin cơ bản, không phục vụ cho mục đích khác nữa.
Từ khi Covid-19 xuất hiện, khai báo y tế là một trong 5 biện pháp phòng dịch đơn giản nhưng hữu hiệu, còn gọi thông điệp 5K (gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập). Thông điệp này 2 năm qua không chỉ được áp dụng tại Việt Nam mà phổ biến cả thế giới.
Dịch Covid-19 đang có xu hướng giảm, cuộc sống của người dân đang dần trở lại bình thường, từng bước thích ứng, sống chung an toàn với Covid-19, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh biện pháp 5K thành 2K (khẩu trang, khử khuẩn) cho phù hợp với tình hình mới.
Theo Bộ Y tế, ở nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh tại 4 tiêu chí trong 30 ngày qua gồm: Số ca cộng đồng cả nước giảm 56,5%, số ca tử vong giảm 60,5%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9%, số ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu đưa Covid-19 khỏi danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm) và xem như bệnh thông thường.
THÁI SƠN