Đây là ngày có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất trong khoảng 3 tháng qua tại nước ta. Hiện có 137 bệnh nhân nặng đang điều trị, tăng 46 trường hợp so với ngày trước đó.

Như vậy kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.408.952 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.980 ca nhiễm).

 

Số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày là 13.142 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.170.271 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 137 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ: 124 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; thở máy không xâm lấn: 2 ca; thở máy xâm lấn: 7 ca; ECMO: 0 ca.

Số bệnh nhân tử vong trong ngày 30-8 là 4 ca. Trong đó tại Cần Thơ (1), Hà Nội (1), Khánh Hòa (1), Tây Ninh (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 2 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.117 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Về tiêm vắc xin, đến nay cả nước đã tiêm được 256.646.264 liều. Số mũi tiêm thực hiện trong ngày 30-8 là 309.140 tại 42 tỉnh, trong đó 272.246 mũi cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi cho 36.894 trẻ 5-11 tuổi. Nhóm từ 18 tuổi trở lên tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) tổng số có 50.022.563 mũi tiêm (76,3%), trong ngày có 39 tỉnh, thành phố triển khai với 39.924 người được tiêm. Tỉnh có tỷ lệ thấp: Bình Định (56,9%); Khánh Hòa (55,3%); Đồng Nai (52,7%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (57,9%). Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao là Thanh Hóa (95,7%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).

Ngày 30-8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành về việc rà soát, chấn chỉnh và tăng cường thu dung, quản lý, điều trị ca bệnh Covid-19.

Theo báo cáo, đến ngày 25-8-2022 cả nước ghi nhận 11.396.205 ca mắc Covid-19, với trên 10 triệu người khỏi, tử vong 43.110 ca.

Từ đầu năm 2022 số ca mắc, ca nặng, nguy kịch giảm nhiều, tuy nhiên từ đầu tháng 8 đến nay số ca mắc mới đang có xu hướng tăng dần với các biến thể phụ mới của chủng Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) trung bình khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày, cùng với đó số ca nặng, nguy kịch cũng gia tăng và xuất hiện các ca tử vong do Covid-19.

Qua đánh giá của Tiểu ban điều trị, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế tại cuộc họp ngày 19-8-2022 nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng, hạn chế tối đa tử vong và bảo vệ các đối tượng nguy cơ trong các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc bộ, thủ trưởng y tế các bộ, ngành rà soát kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 của tỉnh, của đơn vị, có kế hoạch phân công cụ thể tới từng đơn vị số giường bệnh Covid-19 để thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 có chỉ định nhập viện theo nguyên tắc 4 tại chỗ; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 nhập viện để phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời hạn chế tử vong; tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên.

Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.

Tại các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…

Bộ Y tế yêu cầu đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ Covid-19 nằm tại các Bệnh viện khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc Covid-19 tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng (khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ Covid-19).

Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị Covid-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh Covid-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.

Qua đánh giá các ca bệnh Covid-19 nặng và tử vong thấy có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vắc xin, do vậy đề nghị các Sở Y tế tăng cường rà soát và triển khai truyền thông và tiêm vắc xin cho người dân theo đúng hướng dẫn đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao; tiếp tục triển khai tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho nhân viên y tế. Thống kê thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ điều trị Covid-19 để đề nghị hỗ trợ khi cần thiết.

THÁI AN