Theo đó, nữ bệnh nhân 25 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai khi đang ngồi lấy ráy tai bằng dụng cụ kim loại thì người thân vô tình va trúng tay, khiến nạn nhân bị dụng cụ lấy ráy tai đâm sâu vào trong tai trái. Bệnh nhân được đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán (tỉnh Đồng Nai) và sau đó chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh.

Qua thăm khám lâm sàng và chụp CT scan, các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh ghi nhận dị vật là cây lấy ráy tai bằng kim loại dài gần 6cm nằm dọc trong ống tai trái, có đầu chạm đến ống động mạch cảnh trong, nằm trước chuỗi xương con. Bệnh nhân được chuyển phòng phẫu thuật lấy dị vật bằng phương pháp nội soi.

leftcenterrightdel
Các bác sĩ thăm khám cho nữ bệnh nhân trước khi được cho xuất viện. 

Quá trình can thiệp, các bác sĩ nhận thấy ống tai ngoài và màng nhĩ trái sung huyết phù nề, dị vật xuyên thủng màng nhĩ vào hòm nhĩ (đây là bộ phận của tai giữa). Sau khi lấy dị vật, bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, ống tai và màng nhĩ còn nề, đọng ít máu đông, thính lực đồ tai trái bình thường.

Theo TS, BS CK2 Nguyễn Thanh Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh, trường hợp nữ bệnh nhân này nếu đầu thanh ráy tai xuyên vào một chút nữa, có nguy cơ làm vỡ động mạch cảnh trong, dẫn đến chảy máu cực kỳ nhiều. Khi đó, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng.

Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân không nên dùng các cây ngoáy tai có đầu cứng, sắc, nhọn để lấy ráy tai, đồng thời không nên đưa dụng cụ lấy ráy tai vào sâu bên trong ống tai và không ngồi ngoáy tai ở chỗ có người hoặc vật qua lại, dễ dẫn đến tai nạn. Đặc biệt, ngay khi bị chấn thương do ngoáy tai, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám kiểm tra và điều trị kịp thời.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.