Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện bé gái ở Tây Ninh nhiễm não mô cầu đã qua nguy kịch, cai được máy thở sau gần 2 tuần điều trị tích cực. Trước đó, bé gái nhập viện sau 2 ngày sốt cao, đau nhức khắp người, đau bụng, nổi ban rải rác toàn thân. Bác sĩ xác định bé bị sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu, cách ly điều trị tích cực bằng thở máy, chống sốc, phối hợp nhiều kháng sinh…

leftcenterrightdel
Cha mẹ nên tiêm phòng vắc xin cho con sớm để phòng bệnh não mô cầu. Ảnh: Phong Lan 

Kết quả xét nghiệm PCR mới đây cho thấy, bệnh nhi dương tính với vi khuẩn não mô cầu nhóm B, bé chưa từng tiêm vắc xin phòng bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết, vi khuẩn não mô cầu nhóm B là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất tại Việt Nam. Hệ thống giám sát trọng điểm viêm màng não do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương điều hành thu thập dữ liệu từ Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2012 cho thấy, hầu hết các trường hợp viêm màng não mô cầu xâm lấn đều do não mô cầu nhóm B gây ra.

Đáng chú ý, tỷ lệ người lành mang vi khuẩn não mô cầu nhóm B, nhất là nhóm thanh, thiếu niên chiếm đa số. Kết quả theo dõi tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát hiện, khoảng 25% thanh niên nhập ngũ ở độ tuổi 18-25 mang vi khuẩn não mô cầu không có triệu chứng, chiếm 53,19% trường hợp (từ năm 2012-2014). 

Ngoài vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh về não khác như: Vắc xin phế cầu, vắc xin sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản… tránh nguy cơ bệnh chồng bệnh trong bối cảnh thời tiết phức tạp và nhiều bệnh dịch có nguy cơ bùng phát như hiện nay.

THÁI SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.