Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh (1.266 ca), Tây Ninh (33 ca), Đắk Nông (29 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (214 ca), Tiền Giang (45 ca), Đồng Nai (43 ca). Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước.Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.

Lực lượng y tế phường Nguyễn Du lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong ngõ 21 Trần Nhân Tông

ngày 24-9. Ảnh: TTXVN  

Hà Nội ghi nhận 4 ca mắc Covid-19 trong khu cách ly

Sáng 25-9, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 24-9 đến 6 giờ ngày 25-9, thành phố ghi nhận 4 ca mắc mới đã được cách ly. Các ca bệnh phân bố theo quận huyện: Hoàng Mai (2), Thanh Xuân (1), Sóc Sơn (1).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4) là 3.965 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.364 ca.

Hơn 40.500 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2 và 3 tại TP Hồ Chí Minh

Đến ngày 24-9, số ca bệnh đang điều trị tại bệnh viện tầng 2 và 3 của TP Hồ Chí Minh là 40.504 người; Trong bệnh viện tầng 3, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.058. Số bệnh nhân nặng cần hỗ trợ hô hấp là 6.689 người, chiếm tỷ lệ 16,5% so với tổng ca đang nằm viện và 7% so với tổng số F0. Số ca đang thở máy xâm lấn là 868 người, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng ca đang nằm viện và 0,9% so với tổng số F0.

Bên cạnh đó, toàn thành phố có 3.799 trẻ dưới 16 tuổi đang điều trị Covid-19; số phụ nữ mang thai là 301 người.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương ngừng nhận bệnh nhân ngoại trú

Ngày 24-9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã ra thông báo tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú để tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, căn cứ từ kết quả sàng lọc Covid-19 tại các khoa điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương nhận thấy có nguy cơ lây nhiễm cao trong môi trường bệnh viện. Đơn vị đã gửi thông báo đến  Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở y tế tạm thời cách ly các khoa điều trị nội trú và ngưng khám, chữa bệnh ngoại trú từ 15 giờ cùng ngày.

Bệnh viện chỉ tiếp nhận các trường hợp cấp cứu khẩn cấp mà các cơ sở tuyến trước không thực hiện được như: phẫu thuật cấp cứu chấn thương, ngoại thần kinh, ngoại tổng quát, phẫu thuật sản khoa.

Nghệ An: 4 ca nhiễm mới, thêm một bệnh viện dã chiến dừng hoạt động

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An, trong ngày 24-9, Nghệ An ghi nhận 4 ca dương tính với SARS-CoV-2. Cả 4 ca nhiễm đều ở TP Vinh và đã được cách ly trước đó.

Đến nay, tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.817 bệnh nhân Covid-19. Trong đó có 1.718 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và ra viện, 17 bệnh nhân tử vong, hiện còn 82 bệnh nhân đang điều trị.

Hà Nội thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế công lập, cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập triển khai đầy đủ và nghiêm túc các quy định phòng chống dịch Covid-19 của Trung ương, thành phố để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh ngoài cộng đồng trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực phòng, chống dịch Covid-19 24/24 giờ, sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp điều tra dịch tễ, truy vết, xét nghiệm trong thời gian nhanh nhất để khoanh vùng xử lý, kịp thời dập dịch; quán triệt tinh thần phòng, chống dịch ở mức cao nhất, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Xét nghiệm Covid-19. Ảnh: hanoimoi.com.vn 

Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố - cơ quan thường trực phòng, chống dịch làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho Sở Y tế sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch chủ động. Phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã để giám sát chặt chẽ diễn biến dịch, đánh giá đúng, đầy đủ nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng dịch hiệu quả.

Đặc biệt, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tham mưu về phương án nâng cao năng lực xét nghiệm RT-PCR của ngành y tế Hà Nội; nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để điều phối xét nghiệm, liên thông toàn bộ kết quả xét nghiệm giữa đơn vị lấy mẫu, đơn vị làm xét nghiệm hướng tới cập nhật trực tiếp vào hồ sơ sức khỏe của người được lấy mẫu.

Về công tác tiêm chủng cần xây dựng dự trù số lượng, chủng loại vaccine Covid-19 cần thiết tiêm mũi 2 cho người dân thành phố (gồm cả người nước ngoài sinh sống trên địa bàn thành phố) để báo cáo Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp.

Với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã triển khai đầy đủ các biện pháp chuyên môn phòng, chống dịch bảo đảm nguyên tắc “4 tại chỗ” theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố. Các địa phương có chốt kiểm soát ra/vào thành phố, trung tâm y tế tiếp tục bố trí nhân lực tham gia các chốt; thực hiện xét nghiệm test nhanh cho người vào thành phố, đặc biệt là đối tượng lái xe đường dài, lái xe luồng xanh. 

TP Hồ Chí Minh tiếp tục đón 1.500 y, bác sĩ vào hỗ trợ chống dịch

Trước diễn tiến phức tạp của dịch Covid, từ ngày 24 đến 30-9, TP Hồ Chí Minh dự kiến tiếp tục đón 1.500 y, bác sĩ và tình nguyện viên từ các tỉnh, thành phố phía Bắc được tăng cường vào hỗ trợ chống dịch Covid-19.

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, việc di chuyển đến TP Hồ Chí Minh và đi lại của đội ngũ y, bác sĩ này trong suốt quá trình công tác tại đây được Tập đoàn Phương Trang (FUTA Group) hỗ trợ miễn phí.

Hàng nghìn đơn vị máu được chuyển đến các tỉnh phía Nam

Thông tin từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, viện vừa chuyển 2.000 đơn vị máu tới Kiên Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu và điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19 và những bệnh nhân cần truyền máu.

Ông Trần Thiện Nhân, Trưởng khoa Huyết học-Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết, tính đến ngày 23-9, bệnh viện chỉ còn 100 đơn vị máu dự trữ. Trung bình mỗi tháng tiếp nhận và sử dụng khoảng 2.000 đơn vị máu để phục vụ cho nhu cầu điều trị tại 15 bệnh viện trong tỉnh. Nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, hầu hết các lịch hiến máu bị hủy, bệnh viện mới chỉ tiếp nhận được hơn 300 đơn vị. Tình trạng khan hiếm máu đã ảnh hưởng đến tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 30-7 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 8.000 đơn vị máu của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, để tiếp tục cung cấp cho bệnh viện Hồi sức Covid-19 và 72 bệnh viện tại 5 tỉnh Đông Nam Bộ. Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ tiếp nhận 5.650 đơn vị máu để cung cấp cho hơn 80 bệnh viện tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP Hồ Chí Minh cũng được tiếp nhận 2.000 đơn vị máu, chi viện từ Hà Nội, giúp đảm bảo máu cho 150 bệnh viện trong toàn thành phố.

Như vậy, sau gần 2 tháng, trong tổng số 60.291 đơn vị máu được Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cung cấp tới 156 bệnh viện, đã có đến 16.664 đơn vị máu cho miền Nam. Đây là sự chi viện từ Bắc vào Nam vô cùng quý báu, với số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Tối 24-9, phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) phát đi thông báo tìm người đến cửa hàng bánh bao nơi phát hiện ca mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây.

Cụ thể, UBND Phường Nguyễn Du (Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) thông báo tìm người trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã đến địa điểm cửa hàng bánh bao (đầu ngõ 21 Trần Nhân Tông) từ ngày 21-9 đến ngày 23-9.

Phường Nguyễn Du cho biết, trong khoảng thời gian trên những người đã đến địa điểm tự cách ly tại nhà, thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc trên ứng dụng Ncovi, Bluezone và liên hệ ngay với Trạm y tế gần nhất hoặc Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng (0243.9713337) hoặc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (0969.082.115/0949.396.115) để được hướng dẫn và tư vấn. 

 

THÁI SƠN