Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (4.425), Bình Dương (3.255), Đồng Nai (657), Long An (545), Tiền Giang (478), Đồng Tháp (185), Đà Nẵng (164), Khánh Hòa (151), Cần Thơ (134), Tây Ninh (102), An Giang (70), Vĩnh Long (60), Hà Nội (53), Trà Vinh (51), Nghệ An (45), Phú Yên (44), Bình Thuận (43), Sơn La (26), Quảng Nam (24), Bình Định (24), Kiên Giang (17), Quảng Ngãi (16), Quảng Trị (9), Bình Phước (8 ), Bắc Giang (7), Ninh Thuận (7), Hà Tĩnh (7), Hậu Giang (6), Thanh Hóa (6), Bắc Ninh (4), Nam Định (4), Quảng Bình (4), Hải Dương (2), Ninh Bình (2), Bạc Liêu (2), Thái Bình (1), Lạng Sơn (1) trong đó có 6.407 ca trong cộng đồng.

 

Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.995 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 694 ca, Bình Dương tăng 742 ca, Đồng Nai tăng 214 ca, Long An tăng 117 ca, Tiền Giang tăng 196 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.180 ca nhiễm).

Tính từ ngày 27-4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 308.559 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng. Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (164.542), Bình Dương (55.601), Long An (16.552), Đồng Nai (15.602), Bắc Giang (5.802).

Về tình hình điều trị, hôm nay có 5.000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; tổng số ca được điều trị khỏi là 120.059 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 660 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 27 ca. (VƯƠNG THÚY)

380 ca tử vong do Covid-19

Ngày 19-8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 380 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (307), Bình Dương (45), Long An (17), Cần Thơ (3), Bến Tre (2), Bình Thuận (2), Tiền Giang (2), Vĩnh Long (2).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 19-8 là 7.150 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới. (ĐỖ LINH)

Bắc Giang lên phương án đón công dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 về quê

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và thấu hiểu nỗi lo của người dân xa quê, tỉnh Bắc Giang đã lên phương án đón công dân tỉnh Bắc Giang gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai có nhu cầu cấp thiết trở về tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, tất cả công dân tỉnh Bắc Giang (có gia đình, người thân đang thường trú tại tỉnh Bắc Giang) hiện đang tạm trú, lưu trú, làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai có nhu cầu trở về quê và đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong thời hạn 48 giờ tính đến thời điểm bắt đầu rời TP Hồ Chí Minh, sẽ được về quê. Trong đó, ưu tiên người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có hoàn cảnh khó khăn; người 70 tuổi trở lên, đối tượng khuyết tật nặng có hoàn cảnh khó khăn; người lao động bị thất nghiệp, dừng việc dài ngày có hoàn cảnh khó khăn; công dân vào thăm thân nhân, giải quyết công việc đang phải thực hiện cách ly xã hội tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các trường hợp đặc biệt khác, do Hội đồng hương xét duyệt, quyết định.

Cụ thể, đợt 1, tỉnh Bắc Giang đón nhận khoảng 500 công dân hiện đang tạm trú, lưu trú, làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Thời gian từ ngày 25-8 đến 15-9; phương tiện sử dụng là tàu hỏa. Địa điểm đón nhận tại TP Hồ Chí Minh: Tại sân ga Sài Gòn (địa chỉ số 1 đường Nguyễn Thông, phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh). Các công dân về quê được hỗ trợ toàn bộ tiền vé, tiền ăn trên tàu từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và ngân sách tỉnh Bắc Giang. Các trường hợp công dân có nhu cầu đi bằng phương tiện máy bay thì phải tự chi trả mọi chi phí; đồng thời, phải đăng ký và được Hội đồng hương thống nhất; tùy theo từng điều kiện cụ thể, tỉnh sẽ xem xét bố trí đón tại sân bay Nội Bài và đưa về khu cách ly tập trung của các huyện, thành phố.

Tất cả công dân trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đều phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày tại các khu cách ly tập trung của các huyện, thành phố (công dân thuộc huyện, thành phố nào thì cách ly tập trung tại huyện, thành phố đó). Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo theo quy định của Bộ Y tế. Toàn bộ chi phí trong thời gian cách ly tập trung công dân phải tự chi trả. (MINH CHÂU)

Tối 19-8, Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc mới

Tối 19-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 19-8, Hà Nội ghi nhận 20 ca mắc mới trong đó một ca tại cộng đồng và 19 ca trong khu cách ly.

Cụ thể các ca bệnh phân bố bệnh nhân theo quận, huyện: Bắc Từ Liêm (11), Đống Đa (2), Hoài Đức (2), Hoàng Mai (1), Hai Bà Trưng (1), Nam Từ Liêm (1), Thanh Trì (1), Sóc Sơn (1).

Như vậy tính từ ngày 27-4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.409 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.239 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.170 ca. (SƠN ANH)

Hơn 15,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm

Về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế cho biết, trong ngày 18-8 có 398.031 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 15.922.537 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.359.868 liều, tiêm mũi 2 là 1.562.669 liều. 

Tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế 

Trong đó, TP Hồ Chí Minh đạt tiến độ nhiều nhất với 4,975,391 liều đã tiêm, tỷ lệ dân số tiêm mũi 1 của Thành phố đạt 71,42%. TP Hồ Chí Minh hiện được phân bổ vaccine phòng Covid-19 nhiều nhất cả nước với 5,075,270 liều vaccine các loại khác nhau.

Tiếp đến là TP Hà Nội đã tiêm 2,282,943 liều, tỷ lệ dân số tiêm mũi 1 của Thủ đô là 39,73%. TP Hà Nội đã được phân bổ 2,944,710 liều vaccine phòng Covid-19 các loại khác nhau. Bắc Ninh là địa phương đứng thứ 3 với 358,427 liều đã tiêm, đạt tỷ lệ 36,38%. (MINH ANH)

Người nhập cảnh về Hà Nội phải tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh, cách ly 7 ngày

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày đối với người nhập cảnh đủ điều kiện.

Theo đó, người được phép nhập cảnh trên địa bàn Hà Nội sẽ phải thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo nếu bảo đảm đủ một số điều kiện bao gồm: Giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.

Giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều vaccine phòng Covid-19 (trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh), hoặc giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR (mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp. (THÁI AN)

Hà Nội đã lấy được hơn 276.000 mẫu trong đợt xét nghiệm diện rộng lần 2

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong đợt xét nghiệm diện rộng đợt 2, tính đến trưa 19-8, toàn thành phố đã lấy được 276.888 mẫu xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao, người sinh sống trong khu vực nguy cơ, khu vực phong tỏa. Kết quả có 53.734 mẫu âm tính, các mẫu còn lại đang được chạy máy.

Cụ thể, toàn thành phố đã lấy 17.778 mẫu ở khu vực phong tỏa, trong đó có 350 mẫu có kết quả âm tính; 119.912 mẫu ở khu vực nguy cơ, trong đó có 29.974 mẫu âm tính; 139.198 mẫu là đối tượng nguy cơ, trong đó có 23.410 mẫu âm tính.

Được sự phân công của Sở Y tế Hà Nội về lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngoài cộng đồng, trong đợt 2 này, Bệnh viện Đa khoa Medlatec sẽ tham gia sàng lọc 130.000 mẫu xét nghiệm. Ngay trong ngày đầu tiên lấy mẫu, bệnh viện thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại 4 quận, huyện: Ba Đình, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng với 42.000 mẫu. Dự kiến, bệnh viện sẽ hoàn thành trong 3 ngày, từ ngày 18 đến 20-8.

Bệnh viện đã huy động khoảng 700 lượt nhân viên y tế tham gia công việc, cố gắng trả kết quả xét nghiệm trong 24 giờ theo quy định của Sở Y tế Hà Nội. (THÁI SƠN)

Hàng trăm thầy thuốc Thủ đô tiếp tục lên đường vào các tỉnh phía Nam chống dịch

Ngày 19-8, 122 cán bộ viên chức Bệnh viện Phụ sản Trung ương xuất quân vào miền Nam chống dịch Covid-19. Đây là đoàn thứ 2 của bệnh viện vào chiến tuyến chống dịch Covid-19.

Động viên đoàn lên đường, PGS, TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhấn mạnh hơn lúc nào hết, sự đoàn kết, chung tay, chung sức của các nhân viên y tế để tham gia hỗ trợ, giúp đỡ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam vượt qua giai đoạn khó khăn lúc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19. Ảnh: Mai Thanh 

Gần 200 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai do GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện làm trưởng đoàn tiếp tục lên đường chi viện cho Bệnh viện dã chiến 16, TP Hồ Chí Minh - nơi Bệnh viện Bạch Mai đang vận hành, quản lý Trung tâm Hồi sức cấp cứu người bệnh Covid-19 có quy mô 500 giường. Đây là lần xuất quân lần thứ 5 của Bệnh viện Bạch Mai lên đường vào chi viện cho TP Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế cho biết tính riêng đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử gần 13.500 cán bộ y tế tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam. Các chuyên gia và lãnh đạo các vụ cục của Bộ Y tế đã được huy động hỗ trợ TP Thủ Đức và 24 quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ… (NAM PHONG)