Cụ thể, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn tại Quốc hội, chiều 11-11. 

Bộ Y tế cấp 6.653 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; chuyển thông tin của 95 sản phẩm vi phạm trên 184 đường link vi phạm tới Bộ Thông tin và Truyền thông, 92 sản phẩm vi phạm trên 165 đường link vi phạm tới Bộ Công Thương để xử lý theo thẩm quyền.

Đồng thời, Bộ Y tế đã thực hiện và chỉ đạo các địa phương thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, Bộ Y tế đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỷ đồng; các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bao gồm thực phẩm chức năng), trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỷ đồng.

Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Hồng Lan. 

Một số vi phạm đã phát hiện trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về thực phẩm chức năng gồm sản xuất thực phẩm chức năng giả; sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng chất lượng đã công bố; sản xuất thực phẩm chức năng ở nơi không bảo đảm vệ sinh; quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm; thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng...

Bộ Y tế nhận định, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng, đặc biệt khó khăn khi xử lý các vi phạm, nhất là trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là quảng cáo qua mạng xã hội; công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; bổ sung hành vi và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, xem xét quy định phạt tiền theo thu nhập phát sinh từ quảng cáo vi phạm để đảm bảo tính răn đe...

CHIẾN THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.