Về vấn đề này, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) chia sẻ: Mỗi năm, tiêm chủng vaccine cứu sống 4,4 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu trẻ em thoát khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tiêm chủng vaccine là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. 85-95% người được tiêm vaccine sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh, từ đó cũng tránh được những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

Trong những năm đầu đời, với hệ miễn dịch non kém, chưa hoàn thiện, vaccine trở thành tấm khiên giúp trẻ phòng bệnh và tránh các biến chứng khó phục hồi nếu không may mắc phải. Một số loại vaccine phòng bệnh nguy hiểm có giới hạn tuổi tiêm ngắn. Thiếu các mũi vaccine đầu đời, trẻ đứng trước nguy cơ bỏ qua nhiều cơ hội phòng bệnh chỉ có một lần trong đời. Như vaccine lao cần tiêm ngay trong 24 giờ đầu sau sinh và không thể chủng ngừa nếu trẻ qua mốc một tháng tuổi. Các vaccine "5 trong 1" và "6 trong 1" phòng được các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, các bệnh do Hib có giới hạn tiêm đến 24 tháng tuổi. Vaccine uống phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 6-8 tháng tuổi trong khi đây là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu chảy do Rotavirus cướp đi sinh mạng của hơn 611.000 trẻ mỗi năm. Tại Việt Nam, cứ hai trẻ nhập viện vì tiêu chảy thì một trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus gây ra. Giai đoạn 1998-2003, mỗi năm nước ta ghi nhận 5.300-6.800 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh này. Trẻ mắc bệnh phải điều trị dài ngày, gánh nặng chi phí điều trị lớn. Việt Nam là quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm quanh năm, tạo môi trường cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, rất dễ phát sinh bệnh dịch. Từ khi vaccine xuất hiện, nước ta đã bảo vệ được hàng triệu trẻ em và phụ nữ có thai hằng năm khỏi gần 50 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; thanh toán được bệnh đậu mùa từ năm 1979, bệnh bại liệt từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh từ năm 2005; tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các chi phí chăm sóc y tế.

Việc thiếu vaccine ở trẻ sẽ dẫn đến giảm tỷ lệ tiêm chủng, giảm mức miễn dịch cộng đồng và đứng trước nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh vốn đã được đẩy lùi nhờ vaccine. Chẳng hạn, bạch hầu năm nay đã phát hiện 51 ca và 3 ca tử vong. Sốt phát ban nghi sởi đã ghi nhận 350 ca, tăng 13 ca so với cùng kỳ năm 2022. Ho gà cũng tăng mạnh với 31 ca được phát hiện, cao hơn 15 lần so với 2 ca ghi nhận năm 2022. Trong đó, 1 ca ho gà được ghi nhận đầu tháng 12 năm nay tại Hà Nội ở trẻ chỉ 6 tuần tuổi.

Các thắc mắc về sức khỏe xin gửi về Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn, kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735. 

 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.