Về vấn đề này, bác sĩ Dương Mạnh Chiến, chuyên gia phẫu thuật tạo hình và vi phẫu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Mới đây, các bác sĩ của Bệnh viện đã điều trị cho một bệnh nhân bị bỏng điện. Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, men cơ của bệnh nhân có tăng nhẹ-dấu hiệu cho thấy có hoại tử cơ, nhưng mức độ chưa đến ngưỡng nguy hiểm. Đây là tín hiệu tích cực, có thể do bệnh nhân đã kịp rút tay khi bị phóng điện, hạn chế phần nào tổn thương mô sâu. Tuy nhiên, diễn biến bỏng điện thường không rõ ràng ngay từ đầu. Hoại tử cơ, tắc mạch và nhiễm trùng mô sâu có thể âm thầm xảy ra sau vài ngày.
 |
Ảnh minh họa. TTXVN |
Bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ các chỉ số sinh hóa, lượng nước tiểu và điện tim liên tục; được điều trị tích cực bằng truyền dịch để thải độc cơ, sử dụng kháng sinh sớm phòng ngừa nhiễm trùng. Sau theo dõi sát, bệnh nhân may mắn không cần phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử. Bàn tay đang hồi phục tốt nhờ điều trị nội khoa và tiếp tục được theo dõi chức năng vận động để xây dựng kế hoạch phục hồi tối ưu. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy.
Bỏng điện có cơ chế tổn thương khác biệt hoàn toàn so với bỏng nhiệt. Nếu bỏng nhiệt (nước sôi, dầu, lửa...) chủ yếu gây tổn thương lớp da ngoài với biểu hiện rộp nước, bong da rõ rệt, thì bỏng điện lại phá hủy từ bên trong, làm tổn thương cơ, gân, mạch máu và cả xương. Bề mặt da nhiều khi không bị tổn thương nặng khiến người bệnh dễ chủ quan. Dòng điện thường đi qua cơ thể theo đường ngắn nhất, gây tổn thương sâu suốt theo đường đi, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ngừng tim đột ngột do tác động lên hệ thống dẫn truyền tim. Diễn biến của bỏng điện phức tạp và thầm lặng với các nguy cơ lớn như suy thận cấp (do giải phóng myoglobin từ cơ hoại tử vào máu), sốc bỏng, nhiễm trùng huyết và mất chức năng chi thể do hoại tử lan rộng. Trong bỏng điện, xử trí sớm và theo dõi sát diễn biến hoại tử mô là yếu tố sống còn. Khi có dấu hiệu hoại tử, bác sĩ cần chủ động cắt lọc mô chết để tránh lan rộng và nhiễm trùng nặng.
Bỏng điện có thể âm thầm hủy hoại cơ thể từ bên trong trước khi người bệnh nhận biết. Vì vậy, mọi trường hợp nghi ngờ bỏng điện, dù tổn thương ngoài da nhẹ, cần được đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để theo dõi và xử trí kịp thời.
Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.
|
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.