Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Cẩm Yến, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: Tập thể dục giúp người đái tháo đường cải thiện và kiểm soát lượng đường trong máu, hạn chế tình trạng kháng insulin, cải thiện sức mạnh cơ bắp, giảm mỡ cơ thể, kiểm soát huyết áp và tăng cường tuần hoàn máu, giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

Người bệnh đái tháo đường nên duy trì các hoạt động cơ bản hằng ngày như đi bộ, leo cầu thang, làm vườn, đạp xe đường bằng, đi lại xung quanh nơi làm việc ít nhất 30 phút mỗi ngày, hạn chế ngồi/nằm tại chỗ quá lâu. Thực hiện các bài tập cường độ trung bình (đi bộ nhanh, đạp xe, bơi, đánh bóng chuyền, cầu lông, đá bóng hoặc các bài tập thể dục tương tự) phù hợp với tình trạng sức khỏe, thể lực và lối sống của mình 3-5 lần/tuần, ít nhất 30 phút mỗi lần. Không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp; bắt đầu bằng bài tập hoặc các động tác tập ở cường độ thấp; tăng dần về cường độ và số lượng. Các bài tập như kéo dây thun, nâng tạ... tối thiểu 2-3 ngày/tuần. Người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường (từ 50 tuổi trở lên), người bệnh đái tháo đường có biến chứng nên kết hợp tập các bài tập duy trì/cải thiện thăng bằng (yoga, thái cực quyền...) 2-3 lần/tuần, đặc biệt ở những người mắc bệnh thần kinh ngoại vi.

Các bài tập gym cường độ vừa sẽ giúp cải thiện bệnh đái tháo đường. Ảnh minh họa: nutricare.com.vn

Tuy nhiên, với người bệnh có biến chứng thần kinh ngoại biên, nên mang giày phù hợp khi tập thể dục, tự kiểm tra chân hằng ngày để ngăn ngừa và phát hiện loét chân. Người bệnh có các biến chứng võng mạc cần được bác sĩ chỉ định chế độ tập luyện phù hợp để phòng ngừa biến chứng xuất huyết dịch kính và bong võng mạc. Nếu có biến chứng ở mắt, tim, thận, bàn chân, nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại hình tập luyện thích hợp. Nếu không thể tập luyện liên tục 30 phút/ngày, có thể chia ra 2-3 lần/ngày, mỗi lần 10-15 phút, miễn sao tập đều đặn.

Với những người có thói quen tĩnh tại, ít kỹ năng hoạt động thể lực và rất khó để động viên họ tăng cường vận động thì trước hết cần động viên họ giảm thời gian tĩnh tại, bắt đầu từ những việc đơn giản như tự đứng dậy để điều khiển quạt thay vì dùng điều khiển từ xa; đi bộ từ tầng 1 lên tầng 2 thay vì sử dụng thang máy, đặt chuông nhắc nhở đi lấy nước uống 30 hoặc 60 phút/lần thay vì ngồi tại chỗ cả buổi làm việc. Cần tránh chấn thương khi vận động cường độ cao.

Với những người bệnh đái tháo đường có kèm theo béo phì, cần bắt đầu với bài tập đơn giản, chậm rãi, sau đó tăng dần đều. Luôn tập ở những nơi có người qua lại để có thể được hỗ trợ kịp thời nếu có biến cố sức khỏe xảy ra. Không tập luyện dưới thời tiết bất lợi (mưa, gió lạnh hoặc thời tiết quá nóng).

Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735. 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.