Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Cẩm Yến, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng đường máu mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Để việc điều trị đái tháo đường được tối ưu và hiệu quả nhất thì sự kết hợp giữa các phương pháp điều trị bằng thuốc và điều trị không dùng thuốc là rất quan trọng và không thể thay thế. Thay đổi lối sống hay điều trị không dùng thuốc bao gồm luyện tập thể lực, dinh dưỡng và hạn chế lối sống tĩnh tại (lối sống ít vận động). Tập thể dục giúp người bệnh cải thiện và kiểm soát lượng đường trong máu, hạn chế tình trạng kháng insulin, cải thiện sức mạnh cơ bắp, giảm mỡ cơ thể, kiểm soát huyết áp và tăng cường tuần hoàn máu, giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

Người mắc đái tháo đường cần tập thể dục thường xuyên và đúng cách. Ảnh: PHẠM HƯNG 

Trước khi bắt đầu chương trình luyện tập thể lực, người bệnh đái tháo đường nên được kiểm tra các biến chứng có thể ảnh hưởng bởi hoạt động thể lực cường độ cao như bệnh mạch vành, bệnh võng mạc, bệnh thần kinh ngoại biên, biến chứng bàn chân do đái tháo đường. Người bệnh cần lưu ý không tập thể dục nếu nồng độ glucose máu trên 14,0 mmol/L hoặc dưới 5,5 mmol/L hoặc cảm thấy đói, mệt. Nếu người bệnh có huyết áp cao chưa được kiểm soát, bị tổn thương dây thần kinh mức độ nặng, hoặc bệnh võng mạc tăng sinh (bệnh về mắt liên quan đến bệnh đái tháo đường), người bệnh cần phải điều trị ổn định các bệnh đó trước khi bắt đầu vào một chế độ tập luyện. Nếu người bệnh đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường (đường uống hoặc tiêm), việc tập luyện có thể gây hạ đường huyết. Để tránh điều đó người bệnh nên sử dụng đồ ăn nhẹ trước khi tập khoảng 1 giờ như một ly sữa cho người đái tháo đường, hoặc 1 quả chuối, 1 miếng phô mai… Sau khi tập người bệnh cũng có thể ăn uống các đồ ăn trên nếu thời gian chờ tới bữa ăn chính quá dài (4-5 giờ).

Hạ đường huyết có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, run rẩy, mệt lả, đói... Khi đó người bệnh cần phải ăn, uống ngay nước hoa quả (ví dụ: nước táo, nước nho; 300 ml chứa khoảng 15g glucose) hoặc bánh kẹo, sữa có đường... Trong trường hợp người bệnh hạ đường huyết không còn tỉnh táo thì phải chuyển người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có phương án cấp cứu kịp thời.

Để buổi tập an toàn và hiệu quả, người bệnh nên thực hiện đủ 3 giai đoạn: Giai đoạn khởi động (5-10 phút): Làm nóng cơ thể với những động tác đơn giản, cường độ thấp. Khởi động các khớp từ trên xuống dưới; giai đoạn tập luyện: Thực hiện các bài tập vận động từ 20 đến 30 phút, tăng dần về cường độ tập luyện; giai đoạn làm nguội (5-10 phút): Thư giãn, thả lỏng cơ thể với những động tác chậm rãi, đưa cơ thể về trạng thái ban đầu.

Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.

 

QĐND

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.