Về vấn đề này, bác sĩ Hoàng Nam, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ: HP (Helicobacter pylori) là vi khuẩn gram âm phát triển mạnh trong dạ dày. Người bị viêm dạ dày hoặc viêm tá tràng mạn tính do HP thường không có triệu chứng. Nếu triệu chứng xảy ra có thể bao gồm đau vùng thượng vị, thường đau khi đói, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu, ăn nhanh no. Người nhiễm khuẩn HP có nguy cơ loét dạ dày, tá tràng 10-20%, nguy cơ ung thư dạ dày khoảng 1-2%. Vi khuẩn HP tấn công lớp màng bảo vệ dạ dày, làm hỏng mô trong dạ dày và phần đầu tiên của ruột non (tá tràng). Vi khuẩn tạo ra một loại enzyme là urease làm giảm axit dạ dày, dẫn đến suy yếu niêm mạc dạ dày. Khi đó, các tế bào dạ dày có nguy cơ cao bị tổn thương bởi axit và pepsin, những chất dịch tiêu hóa mạnh, dẫn đến loét dạ dày hoặc tá tràng. Nhiễm HP còn gây ra viêm mạn tính niêm mạc dạ dày. Viêm mạn tính lâu ngày dẫn đến viêm teo và dị sản ruột-đây là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư dạ dày.

leftcenterrightdel
Vi khuẩn HP. Ảnh minh họa 

Nếu bạn thường xuyên đầy bụng, mệt mỏi, có lúc ngất xỉu, buồn nôn, đi ngoài phân đen có thể là triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng do vi khuẩn HP hoặc các bệnh đường tiêu hóa khác. Bạn cần khám để bác sĩ chuyên khoa đưa ra chỉ định phù hợp, giúp phát hiện chính xác và điều trị hiệu quả. Bạn cần xét nghiệm HP và điều trị nếu loét dạ dày, tá tràng, tiền sử loét dạ dày, tá tràng mà chưa từng được chẩn đoán và điều trị HP, chứng khó tiêu do HP. Nếu trong gia đình có bố, mẹ, anh, chị, em ruột bị ung thư dạ dày, bạn cũng nên xét nghiệm loại vi khuẩn này. Xét nghiệm này cũng cần thiết cho người có tổn thương tiền ung thư, ung thư dạ dày đã điều trị, dùng thuốc giảm đau chống viêm non-steroid, aspirin kéo dài.

Hiện có nhiều cách để xét nghiệm chẩn đoán HP. Một số xét nghiệm phổ biến bao gồm test thở C13, C14; xét nghiệm phân (xét nghiệm để phát hiện HP có trong phân); test nhanh urease được thực hiện thông qua nội soi dạ dày. Để hạn chế lây nhiễm khuẩn HP trong cộng đồng, không nên dùng chung các dụng cụ ăn uống trong gia đình như chung bát nước chấm, uống chung cốc nước, gắp thức ăn cho nhau. Cẩn thận khi ăn uống tại các hàng quán ven đường vì việc vệ sinh dụng cụ ăn uống tại hàng quán rất kém, không loại bỏ hết được vi khuẩn HP. Diệt trừ ruồi muỗi, giữ gìn vệ sinh bát đũa sạch sẽ, tráng nước sôi các dụng cụ ăn uống dùng chung trong gia đình. Đối với trẻ nhỏ, người lớn nên tránh không hôn trẻ, không cho trẻ ăn bằng cách nhai đút mớm, tránh thói quen dùng đũa của mình để đảo lộn thức ăn hoặc trộn thức ăn của trẻ nhỏ trong bữa cơm. Cha mẹ nên rèn cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn ngừa lây nhiễm khuẩn HP cho trẻ.

 Các thắc mắc về sức khỏe xin gửi về Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn, kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.

 

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.