Hàng chục chính phủ từ châu Mỹ-Latinh đến Trung Đông đang chuyển hướng sang sử dụng Pfizer cho chương trình tiêm chủng của mình. Australia cũng đang cung cấp loại vắc xin này sau khi loại bỏ những đối thủ “đáng gờm” khác. Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Chile cũng cung cấp vắc xin Pfizer cho những người đã tiêm mũi vắc xin không cùng loại. Thậm chí, Argentina đã phải viết lại luật mua vắc xin để có thể đạt được thỏa thuận với Pfizer. Những động thái này cho thấy, nhu cầu kiếm tìm Pfizer để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân tại các nước đang ngày một cao.

Các quốc gia trên thế giới đã mua 3,5 tỷ liều vắc xin Pfizer. Ảnh: AP

Theo Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke, các quốc gia trên thế giới đã mua 3,5 tỷ liều vắc xin Pfizer, nhiều hơn khoảng 1 tỷ liều so với mua vắc xin từ Công ty dược AstraZeneca Plc - nhà cung cấp vắc xin lớn thứ hai trên thế giới. Trong khi đó, Pfizer cho biết họ đã vận chuyển hơn 1,6 tỷ liều vắc xin đến hơn 130 quốc gia. Pfizer và BioNTech dự báo sẽ sản xuất 3 tỷ liều vắc xin trong năm nay và có thể sản xuất 4 tỷ liều trong năm tới. Còn Moderna dự kiến sẽ sản xuất 1 tỷ liều trong năm nay, thấp hơn tới 2/3 số liều mà Pfizer dự kiến.

Wanderson de Oliveira, nhà dịch tễ học và là cựu quan chức cấp cao của Bộ Y tế Brazil, cho biết: “Mọi người đều muốn tiêm vắc xin tốt nhất” và rằng, “vắc xin Pfizer cho kết quả vượt trội so với các vắc xin khác”.  

Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã chuyển hướng sang Pfizer. Lý giải cho vấn đề này, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết việc cung cấp các mũi tiêm Pfizer là do nguồn cung Pfizer-BioNTech tăng lên sau cuộc đàm phán thành công với Tiến sĩ Sahin của BioNTech và nhằm khuyến khích du lịch.

Chính phủ Úc cũng đã bắt đầu cung cấp các liều Pfizer dù ban đầu tập trung vào vắc xin của AstraZeneca, CSL Ltd. và Đại học Queensland. Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Úc đã loại bỏ ứng cử viên CSL-Queensland vì những người tiêm vắc xin trong một thử nghiệm lâm sàng của ứng viên này đã có kết quả xét nghiệm giả dương tính với HIV. Hồi tháng 4 vừa qua, Úc đã khuyến cáo những người lớn tuổi nước này không nên tiêm AstraZeneca với lý do hiếm gặp nhưng có nguy cơ cao là hình thành cục máu đông ở phụ nữ. Trong công cuộc kiếm tìm thêm nguồn cung, Úc đã nhận được bốn triệu liều Pfizer từ Anh, một triệu từ Ba Lan và 500.000 từ Singapore.

Anh hiện đề xuất tiêm Pfizer cho chiến dịch tiêm mũi tăng cường của đất nước thay vì AstraZeneca có trụ sở chính ngay tại Anh. Mũi tiêm AstraZeneca đã được sử dụng rộng rãi trong giai đoạn đầu tiên của quá trình triển khai tiêm chủng của quốc gia này nhưng giờ đây chỉ được khuyến nghị như một liều tiêm nhắc lại nếu mọi người bị dị ứng với mũi tiêm của Pfizer.

Pfizer rất thích hợp để tiêm cho người cao tuổi. Ảnh: Reuters

Argentina ban đầu từ chối vắc xin Pfizer, một phần vì Pfizer khẳng định bảo vệ mình khỏi trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ tổn thương nào do vắc xin này gây ra. Tuy nhiên, luật vắc xin của Argentina, được thông qua vào tháng 10 vừa qua, đã điều chỉnh điều khoản có thể dẫn tới khởi kiện Pfizer nếu xảy ra trường hợp người tiêm Pfizer bị phản ứng tăng nặng. Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế Carla Vizzotti cho biết, việc phân phối một số loại vắc xin khác chậm trễ khiến chính phủ Argentina phải thay đổi lộ trình tiêm vắc xin cho người dân. Tháng 8 vừa qua, quốc gia này đã ký một thỏa thuận mua hơn 20 triệu liều Pfizer với giá 12 đô la một liều, đắt hơn hợp đồng với Sputnik và AstraZeneca.

Việc chuyển hướng sang Pfizer thay vì vắc xin của AstraZeneca, Johnson & Johnson hay các loại vắc xin khác, một phần là do hiệu quả bảo vệ cao của vắc xin này với biến thế Delta dễ lây lan, nhưng một phần quan trọng là do sau khi tiêm không xảy ra biến chứng nặng và có thể tiêm cho người cao tuổi.

Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, khả năng bảo vệ do vắc xin Pfizer-BioNTech cung cấp dường như ít suy yếu theo thời gian. Hơn nữa, nguồn cung Pfizer cũng không bị hạn chế như đối với một số loại vắc xin khác.

Theo các quan chức và nhà phân tích, mặc dù nhu cầu đối với vắc xin Pfizer cao nhưng nhu cầu đối với các loại vắc xin khác vẫn còn nhiều bởi Pfizer không thể sản xuất để đáp đứng hết nhu cầu và vắc xin của các đối thủ cạnh tranh của Pfizer lại được lợi thế bảo quản dễ dàng hơn với chi phí ít tốn kém hơn.

Ngoài chi phí bảo quản, giá cho 1 liều của Pfizer cũng đã tăng dần theo thời gian. Một quan chức Bộ Y tế Israel từng tiết lộ rằng họ đã phải trả tới 62 đô la cho một liều vắc xin của Pfizer, mặc dù chính phủ Israel chưa có bất kỳ xác nhận nào về con số chính thức. Đây thực sự là mức giá cao hơn rất nhiều so với hầu hết các quốc gia đang phải trả. Pfizer đã bán vắc xin cho Liên minh Châu Âu với giá 23 đô la mỗi liều, tăng 5 đô la so với trước. Theo báo cáo của truyền thông Brazil, trong hợp đồng với Brazil hồi tháng 5, Pfizer đưa ra mức giá 12 đô la mỗi liều, cao hơn so với đề nghị 10 đô la trong một hợp đồng hồi tháng 3.

Theo Pfizer, vắc xin của họ được cung ứng ở những mức giá khác nhau theo điều kiện kinh tế của từng quốc gia. Theo đó, các nước có thu nhập trung bình chỉ phải trả khoảng một nửa so với mức giá mà các nước giàu hơn phải trả. Còn với các nước thu nhập thấp, cái giá mà Pfizer được trả chẳng có mấy lợi nhuận.

MAI HƯƠNG (tổng hợp)