Sự hy sinh âm thầm, cao cả

Lễ tri ân những người hiến xác cho y học tại Học viện Quân y hôm ấy diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính nhưng cũng rất xúc động bởi sự hiện diện của các thân nhân đến từ nhiều vùng, miền. Trong khói nhang bảng lảng, những nhành hoa cúc trắng, cúc vàng tựa như hiện thân của những con người cao thượng hiến thân xác của mình để cứu chữa, mang lại mầm sống cho người bệnh... Gần 10 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần trở về Học viện Quân y, ông Phạm Khắc Khoan, ở phường Chùa Hang (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) vẫn vẹn nguyện ký ức ngày bố mình là ông Phạm Ngọc Bội hiến thi thể cho y học. Ông Phạm Khắc Khoan nhớ lại: “Cách đây 20 năm, bố tôi có tâm sự, sau này khi mất đi, về với tổ tiên sẽ hiến tặng thân xác để cứu người mù và phục vụ nghiên cứu khoa học. Thực hiện tâm nguyện của bố, ngày 12-10-2013, bố tôi về với tiên tổ, được các chuyên gia, bác sĩ cùng nhân viên y tế của Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương), Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y tổ chức đón thi thể lên Học viên Quân y và tổ chức lễ viếng đầy trang trọng”. Gần 10 năm qua, thi thể ông Phạm Ngọc Bội được lưu giữ tại Học viện Quân y để phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy; hai giác mạc của ông đã mang lại ánh sáng cho hai người bệnh; đến ngày 29-4-2023, theo nguyện vọng của gia đình, thi hài ông Bội được đưa về quê hương yên nghỉ nơi chốn mộ phần... 

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đặng Tiến Trường, Phó chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y chia sẻ: “Để trở thành bác sĩ, sinh viên y khoa phải hiểu thấu đáo về cấu tạo, vị trí của từng cơ quan, bộ phận cơ thể người. Một phần rất lớn và không thể thiếu, đó là nhờ học tập trên các xác của những người đã hiến”. Từ khi thành lập đến nay, Học viện Quân y đã tiếp nhận hàng trăm thi thể, bộ phận cơ thể hiến. Nhiều năm gần đây, việc tuyên truyền và tiếp nhận thi thể hiến của Học viện trở thành thường quy và ngày càng được đẩy mạnh. Đến nay, Học viện Quân y cũng đã tiếp nhận đơn và cấp được hàng trăm thẻ đăng ký hiến thi thể sau khi qua đời để phục vụ cho mục đích cao cả đó. Việc tiếp nhận các thi thể hiến; xử lý, bảo quản được Học viện thực hiện theo quy trình chặt chẽ, với thiết bị chuyên dụng, áp dụng phương pháp bảo quản mới.

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên nhấn mạnh: “Để bày tỏ tri ân những người hiến thi thể cho y học, từ năm 2015 đến nay, hằng năm, Học viện Quân y tổ chức lễ tri ân trang trọng. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp tục giáo dục cho các thế hệ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế và học viên, sinh viên của Học viện Quân y lòng biết ơn đối với những người đã hiến thi thể cho y học”.

leftcenterrightdel
Cán bộ, học viên Học viện Quân y tưởng niệm những người hiến thi thể cho y học. 

Cần nhiều hơn nữa sự cống hiến, sẻ chia

Việc hiến mô tạng và thi thể cho y học đã diễn ra từ rất lâu trên thế giới, được mọi tầng lớp xã hội ghi nhận bởi tính nhân văn, nhân đạo và khoa học sâu sắc. Theo các chuyên gia, thi thể phục vụ cho đào tạo y học vẫn được coi là không thể thay thế. Bởi cho đến nay, các mô hình nghiên cứu giải phẫu có sự phát triển hiện đại hơn trước, song vẫn không thể thay thế hoàn toàn cho việc học trực tiếp trên thi thể người.

Là người có nhiều năm công tác trong ngành y, Đại tá Lê Thị Thúy Hằng, Chủ nhiệm Bộ môn-Khoa Nhi, Bệnh viện Quân y 103 hiểu rõ tầm quan trọng của những tiêu bản và thi thể người nên chị đã đăng ký hiến xác cho y học. Đại tá Lê Thị Thúy Hằng tâm sự: “Chúng ta không thay đổi được thế giới nhưng chúng ta có thể thay đổi được chính mình, phá đi những rào cản quan niệm cũ chết là hết. Nếu chúng ta mở rộng thiện tâm, dâng hiến thân thể của mình để phục vụ nghiên cứu, thì nền y học sẽ phát triển không ngừng, nhiều sinh mệnh sẽ được kéo dài sự sống...”.

Nhu cầu về hiến mô tạng, thi thể luôn là cấp thiết đối với y học hiện nay. Song thực tế, công tác tuyên truyền, tiếp nhận và sử dụng thi thể hiến còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do yếu tố tâm linh, tín ngưỡng. Trung tá Đặng Tiến Trường chia sẻ, để thúc đẩy và mang lại hiệu quả công tác tiếp nhận, lấy, bảo quản, sử dụng mô, tạng và thi thể, Bộ môn Giải phẫu nói riêng, Học viện Quân y nói chung xác định tăng cường tuyên truyền, giáo dục về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của xác đối với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học y học; về hiến mô, tạng và thi thể và lòng biết ơn đối với người hiến xác. Nghiên cứu phương pháp, quy trình bảo quản mới bảo đảm đáp ứng yêu cầu ngày cao của công tác nghiên cứu và giảng dạy y học, theo đúng tinh thần của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; hướng dẫn của Bộ Y tế về yêu cầu tiếp nhận xác hiến.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.