Đau đáu nỗi lo sức khỏe của trẻ thơ
TP Hồ Chí Minh đang chịu những cơn mưa trái mùa. Thời tiết thất thường khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng khi thấy con mình có những triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi. Có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) 2 (TP Hồ Chí Minh), chúng tôi không khỏi xót xa trước tình hình rất đông các em nhỏ đang điều trị nội trú vì bệnh viêm phổi nặng do virus. Đau lòng hơn là cảnh những em nhỏ đã phải nhập viện vì tình trạng sức khỏe đang chuyển biến nặng.
Cầm trên tay giấy chỉ định nhập viện điều trị của con gái, đôi mắt của chị Phan Hoàng Anh (ngụ quận 8) đượm buồn: “Cách đây 1 tuần thấy con có những triệu chứng ho, sổ mũi kèm sốt cao tôi đã đưa con đi khám và được bác sĩ chỉ định điều trị ngoại trú. Dù đã điều trị gần 1 tháng nay nhưng con tôi vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tôi rất lo lắng, hy vọng quá trình điều trị tại BVNĐ 2 diễn ra thuận lợi để con tôi mau chóng khỏe lại, không còn bị bệnh tật giày vò”.
Ở cuối phòng bệnh, ngược lại với hoàn cảnh của chị Phan Hoàng Anh, chị Lê Thị Hiền (ngụ quận 12) đã nhẹ lòng hơn khi chỉ vài ngày nữa, con của chị sẽ được xuất viện sau 1 tháng tích cực điều trị. Chị Hiền bày tỏ: “Khi thấy con ho, sốt và sụt cân, tôi đã đưa con đến bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán con mắc bệnh viêm phổi diễn tiến nặng dẫn tới viêm phổi hoại tử, tràn dịch phổi, phải nằm phòng cấp cứu. Lúc đó gia đình tôi rất suy sụp nhưng tự nhủ phải mạnh mẽ để lo cho con. Giờ đây, nhìn thấy con đã hồi phục sức khỏe sắp được xuất viện, tôi rất biết ơn các y, bác sĩ đã tận tình giúp đỡ con tôi”.
 |
Người dân cần tăng cường đề kháng hô hấp bằng cách tiêm ngừa vắc xin. Ảnh: Trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC cung cấp
|
BVNĐ 2 thông tin, từ ngày 1 đến 12-12, Bệnh viện đã điều trị gần 22.000 ca ngoại trú và gần 1.000 ca nội trú với trẻ em mắc bệnh về đường hô hấp. Khoa Hô hấp tại bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận 30 trẻ nhập viện. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô hấp BVNĐ 2 cho biết: “Nhiều trẻ em nhập viện trong tình trạng nguy kịch do biến chứng hô hấp, bao gồm ho dữ dội, khó thở nghiêm trọng gây ra bởi viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hen suyễn. Bệnh tình dễ trở nặng với những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc có sức đề kháng kém. Nguyên nhân dẫn tới số ca mắc bệnh tại trẻ em tăng cao chủ yếu là do thời tiết thay đổi thất thường khiến đường hô hấp của trẻ em trở nên nhạy cảm”.
Điều trị ngay từ khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên
Không chỉ trẻ em, người lớn cũng cần bảo vệ sức khỏe bản thân trước tình hình bệnh viêm phổi do virus diễn biến khó lường. Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng là người lớn tuổi có hệ miễn dịch suy yếu theo thời gian; người mắc bệnh lý hô hấp mạn tính sẽ làm tăng nguy cơ suy hô hấp khi mắc viêm phổi; người có bệnh tim mạch vì viêm phổi có thể kích hoạt các biến chứng về tim, dẫn đến suy tim; người mắc bệnh đái tháo đường do hệ miễn dịch suy yếu, khiến việc phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng gặp khó khăn; người suy giảm miễn dịch do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh tự miễn, ung thư... hoặc có rối loạn dinh dưỡng.
Tránh để tình trạng bệnh chuyển biến nặng, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm về sau, các bác sĩ khuyến cáo người dân đến các bệnh viện, cơ sở y tế để thăm khám, điều trị khi phát hiện những triệu chứng bệnh hô hấp nhẹ như ho, sốt, sổ mũi. Người dân cũng chú ý giữ ấm cơ thể trẻ và hạn chế đưa các em đến những chỗ đông người. Đồng thời, bổ sung đủ nước, vitamin và trái cây để tăng cường hệ miễn dịch. Tiêm ngừa vắc xin cũng là một yếu tố quan trọng trong việc giảm nguy cơ và cải thiện tiên lượng bệnh.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cũng vừa phát đi tín hiệu nguy cơ bùng phát dịch cúm A (H5N1) lên mức báo động, khi nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng cao vào dịp cận kề năm mới. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, báo cáo gần đây cho thấy bệnh nhân viêm phổi nhập viện gia tăng. Đáng chú ý, một ca bệnh cúm A (H5) đã được chuyển từ tỉnh Long An lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh điều trị.
Không chủ quan trước tình hình bệnh diễn biến khó lường, ngày 10-12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), các cơ sở khám chữa bệnh công lập, ngoài công lập và các phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh viêm phổi nặng do virus. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng giao HCDC chủ trì, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh tại Thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Thành phố đề nghị tất cả người bệnh đến khám hoặc điều trị tại cơ sở y tế cần tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang, kể cả trong khuôn viên cơ sở y tế, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tránh lây truyền rộng rãi. Đồng thời, tiếp tục tăng cường thực hiện công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên người và công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Nếu có tình huống dịch bệnh khẩn cấp, các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm quy trình báo cáo.
Bài và ảnh: BẢO NGÂN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.