Đừng coi thường cúm mùa

Phóng viên: Thưa bác sĩ, bệnh nhân mắc cúm mùa nhập viện từ đầu năm, thậm chí cả có những ca mắc trong mùa hè. Như vậy, cúm mùa có còn theo mùa?

PGS, TS Đỗ Duy Cường: Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân mắc cúm mùa. Trong đó, đại đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền và nhập viện khi tình trạng đã nặng. Trung tâm Bệnh nhiệt đới thường xuyên trong tình trạng quá tải, không có chỗ để cách ly bệnh nhân. Từ thực tế trên có thể thấy, giờ đây, cúm mùa không còn theo mùa nữa mà bệnh nhân cúm nhập viện quanh năm, thay vì mùa đông - xuân hay thời tiết lạnh mới xuất hiện. Có thể là do môi trường thay đổi hoặc do virus cúm đã thích ứng.

PGS,TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). 

PV: Như bác sĩ vừa chia sẻ, nhiều bệnh nhân mắc cúm mùa phải nhập viện điều trị là người cao tuổi, có bệnh lý nền. Đối với những bệnh nhân này, cúm mùa nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ?

PGS, TS Đỗ Duy Cường: Bệnh cúm rất nguy hiểm, nhất là với những người có bệnh nền, người cao tuổi. Mắc cúm không đơn giản như nhiều người tưởng đây chỉ là “bệnh cảm cúm qua loa”. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc cúm, 3-5 triệu ca cúm nặng và 300.000-500.000 ca tử vong. Hiện nay, tại Trung tâm đang có nhiều người cao tuổi đang phải điều trị cúm. Ví dụ như bệnh nhân L.T.N. (69 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị viêm phổi mạn tính tắc nghẽn do hen phế quản nhiều năm. Bệnh nhân đến Trung tâm Cơ Xương Khớp (Bệnh viện Bạch Mai) để điều trị do bị áp xe cơ thắt lưng chậu được 2 ngày thì xuất hiện ho và sốt, khó thở, phải dùng khí dung. Xét nghiệm cho thấy bà mắc cúm A nên được chuyển sang Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Sau 3 ngày điều trị, bệnh của bà đã đỡ. Khi nào test cúm về âm tính, bà sẽ được trở lại Trung tâm Cơ Xương Khớp để tiếp tục điều trị các bệnh nền. Điều may mắn với bệnh nhân này là bà tiêm vaccine cúm hàng năm nên nhờ đó không bị nặng, không biến chứng, thời gian điều trị cũng nhanh hơn.

Một bệnh nhân khác (58 tuổi, ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cũng đang phải nằm điều trị do mắc cúm. Bệnh nhân ho, sốt kéo dài và tức ngực nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để khám, thì phát hiện vừa mắc cúm A vừa bị bệnh xơ gan, huyết áp cao, tiểu đường, phải thở oxy… Do bệnh trở nặng, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới để điều trị. Đến nay, bệnh cúm đã đỡ, nhưng bệnh nhân vẫn phải chờ cắt sốt, test cúm âm tính mới điều trị các bệnh khác.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu

PV: Thưa bác sĩ, có thể nói cúm mùa rất nguy hiểm với người cao tuổi và người có bệnh nền. Vậy có biện pháp nào hữu hiệu để phòng tránh?

PGS, TS Đỗ Duy Cường: Cúm mùa rất nguy hiểm với người cao tuổi và người có bệnh nền. Tuy nhiên, cúm mùa có thể phòng tránh được bằng vaccine. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ, tiêm vaccine phòng cúm còn giúp giảm đáng kể các biến chứng nặng do cúm gây ra, giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong ở người cao tuổi và những bệnh nhân có bệnh mạn tính. Để bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân, nhất là những người lớn tuổi và có bệnh nền, tới đây, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thành lập đơn vị tư vấn và tiêm chủng vaccine, nhằm tăng cường việc tư vấn và tiêm vaccine phòng cúm cho các bệnh nhân nằm điều trị nội trú trước khi ra viện.

PGS, TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân cao tuổi mắc cúm kèm nhiều bệnh lý nền. 

PV: Thưa bác sĩ, những đối tượng nào cần ưu tiên tiêm vaccine cúm?

PGS, TS Đỗ Duy Cường: Các đối tượng cần phải được ưu tiên tiêm vaccine cúm là phụ nữ có thai, người cao tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh mạn tính, nhân viên y tế và trẻ em dưới 5 tuổi. Ai cũng có thể nhiễm cúm mùa nhưng tỉ lệ nhập viện, tỉ lệ tử vong có liên quan đến cúm mùa tăng cao ở nhóm bệnh nhân cao tuổi có các bệnh lý nền mạn tính đi kèm, như tim mạch, hô hấp, đái tháo đường… Bị nhiễm cúm, khả năng nhồi máu cơ tim tăng gấp 6-10 lần, khả năng đột quỵ cũng tăng 3-10 lần, còn suy tim tăng 24% nguy cơ nhập viện. Bệnh nhân đái tháo đường thuộc nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm cúm và biến chứng nặng. Tuổi càng cao, nguy cơ gặp các biến chứng do cúm mùa càng tăng. Thậm chí, người cao tuổi có thể không bao giờ phục hồi lại như trước khi nhiễm cúm, cả về sức khỏe, khả năng vận động và lối sống. Bệnh nhân tim mạch, tiểu đường,.. khi mắc cúm có nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Bài, ảnh: HÀ VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.