Dịch bệnh trở lại ngay khi bước sang năm mới

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao. WHO cũng khuyến cáo tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và rất cao và những nơi hiện có chùm ca sởi, cần triển khai tiêm chủng chiến dịch, các tỉnh, thành phố còn lại có nguy cơ thấp và trung bình, cần tổ chức rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ lỡ tiêm do đại dịch.

Theo Bộ Y tế, năm 2024, nước ta ghi nhận 45.554 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, 7.583 trường hợp dương tính và 16 ca tử vong liên quan đến sởi. Đáng chú ý, chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ đã ghi nhận 1.562 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, xu hướng gia tăng mắc bệnh nằm ở nhóm tuổi dưới 9 tháng (chiếm khoảng 25%).

Cùng với đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, tính từ ngày 10-2 đến 17-2-2025, thành phố đã ghi nhận 279 ca sởi. Các quận, huyện có số ca mắc cao hiện nay bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức. Riêng tại Bệnh viện TP Thủ Đức, số ca mắc sởi và thủy đậu đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại sau Tết Nguyên đán. Trong tháng 1, bệnh viện đã tiếp nhận 137 trường hợp sởi và 25 ca thủy đậu, trong đó có tới 51 bệnh nhi phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 2, đã có thêm 13 ca sởi và 5 ca thủy đậu, với 3 trường hợp cần nhập viện theo dõi.

Khám cho bệnh nhi nghi mắc sởi do truyền nhiễm tại Bệnh viện TP Thủ Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp 

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Uyên Phương, Khoa Nhi, Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết: "Sởi và thủy đậu là những bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh chóng, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ do có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Với bệnh sởi, các biến chứng thường gặp bao gồm viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa và nhiễm trùng đường ruột. Trong khi đó, thủy đậu có thể dẫn đến nhiễm trùng da, viêm não và hội chứng Reye hiếm gặp nhưng nguy hiểm”.

Điều đáng buồn là hầu hết các trường hợp mắc sởi và thủy đậu phần lớn đến từ việc không tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh, còn lại do chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Vì vậy, người dân cần đặc biệt không ngừng nâng cao ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để phòng ngừa hiệu quả, việc tiêm chủng đầy đủ được xem là biện pháp then chốt.

Nắm rõ dịch bệnh, xử lý kịp thời

Do đặc điểm dịch tễ phức tạp của bệnh sởi, thủy đậu có khả năng lây lan nhanh, rộng và phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng, việc triển khai tiêm chiến dịch, tiêm bù, tiêm vét cần được nhanh chóng thực hiện, đặc biệt ở những nơi có chùm ca bệnh cần tuyệt đối không để dịch lan rộng. Qua những nỗ lực không ngừng của ngành y, các loại vaccine hiện nay đã và đang trở nên rất an toàn với hiệu quả bảo vệ cao, trong đó đạt tới 97% đối với sởi sau 2 mũi và trên 90% với thủy đậu. Theo khuyến cáo hiện nay, trẻ cần được tiêm vaccine sởi từ 6-9 tháng tuổi (mũi 0), tiếp theo là mũi 1 lúc 9 tháng và mũi 2 lúc 18 tháng. Đối với thủy đậu, lịch tiêm gồm 2 mũi cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.  

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Bệnh viện TP Thủ Đức đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó tích cực. Bệnh viện bố trí khu vực cách ly riêng cho bệnh nhi mắc sởi, thực hiện phân luồng khám bệnh và tăng cường các biện pháp phòng hộ cho nhân viên y tế. Đồng thời, công tác tuyên truyền về tiêm chủng cho người nhà bệnh nhân cũng được đẩy mạnh. Qua đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý những dấu hiệu của bệnh để phát hiện sớm. Với sởi, trẻ thường sốt kèm ho, chảy mũi, đỏ mắt, sau 3 đến 4 ngày sẽ xuất hiện hồng ban từ mặt lan xuống cơ thể. Còn thủy đậu có biểu hiện sốt và nổi bóng nước đục rải rác toàn thân.

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Uyên Phương nhấn mạnh tới người dân: "Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra". Ngoài ra, việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang nơi đông người, vệ sinh cá nhân thường xuyên và bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ cũng rất quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh.

Để chủ động kiểm soát và ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh sởi và thủy đậu trong thời gian tới, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và cộng đồng. Trong đó, việc nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân, đặc biệt là công tác tiêm chủng cần được thực hiện nghiêm khắc, đây là yếu tố then chốt góp phần quyết định hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và cộng đồng.

PHƯƠNG NAM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.