Theo thống kê bước đầu, việc thiếu thuốc xảy ra ở nhiều bệnh viện trên cả nước, đặc biệt ở 28 sở y tế, 12 bệnh viện Trung ương được khảo sát, ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo. Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, có ngay các giải pháp hiệu quả.

 Bài 1: Nghịch lý: Bệnh viện thiếu thuốc

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang xảy ra ở nhiều bệnh viện khiến người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) phải mua thuốc bên ngoài, trong khi nhiều loại thuốc thuộc phạm vi thanh toán của BHYT... Bệnh nhân đang phải vật vã chiến đấu với bệnh tật thì lại thêm lo lắng vì không mua được thuốc để điều trị.

Trăm đường thiệt thòi cho bệnh nhân

Những ngày qua, nhiều bệnh viện trên cả nước xảy ra tình trạng thiếu một số loại thuốc, vật tư y tế do chậm đấu thầu mua sắm. Nhiều bệnh nhân vào bệnh viện khám chữa bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài để điều trị, nhưng ngay tại các nhà thuốc cũng rất khan hiếm thuốc. Anh Nguyễn Minh T. (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết, vào cuối tháng 5, anh đưa người nhà vào cấp cứu tại một bệnh viện đóng trên địa bàn Hà Nội, nhưng thuốc điều trị lại phải mua toàn bộ ở những nhà thuốc bên ngoài vì bệnh viện hết thuốc. Thậm chí, những loại thuốc trong phạm vi BHYT chi trả cũng phải mua ngoài. “Chúng tôi đóng tiền BHXH để được hưởng BHYT khi đi khám, chữa bệnh. Những loại thuốc mà lẽ ra được BHYT thanh toán thì bây giờ chúng tôi phải mua ngoài vì bệnh viện bảo hết thuốc. Vậy số tiền này ai thanh toán cho chúng tôi?”, anh T. bức xúc.  

Một bệnh nhân chạy thận gần 20 năm (hiện đang trú tại Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết, đều đặn mỗi tuần 3 lần, bà đều phải vào viện chạy thận. Mặc dù chi phí chạy thận đã có BHYT chi trả nhưng hơn một tháng nay, bà phải mua thêm găng tay và băng dính y tế ở ngoài để bác sĩ sử dụng mỗi lần thay quả lọc thận hoặc cắm kim tiêm... nhằm bảo đảm vô trùng cho bệnh nhân. Nguyên do, nhân viên y tế của bệnh viện thông báo hiện bệnh viện đang thiếu găng tay và bệnh nhân phải tự túc. Bệnh nhân này cho biết, găng tay bà mua có giá từ 90.000 đến 100.000 đồng/hộp, mỗi buổi chạy thận sẽ dùng 2 đôi, một tuần chạy thận 3 lần... Bệnh nhân chia sẻ: “Thông tin nhiều bệnh viện trên cả nước thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tôi cũng đã nghe. Cũng hết sức thông cảm cho bệnh viện, mặc dù số tiền mua găng tay hay băng dính không nhiều nhưng “tích tiểu thành đại” thì với những bệnh nhân nghèo như chúng tôi lại là cả vấn đề. Vừa lo chữa bệnh, vừa lo tiền để mua vật tư y tế, bây giờ phải mua thêm găng tay, không biết sau này chúng tôi còn phải mua gì nữa”.

Đây chỉ là một số trường hợp bệnh nhân điển hình trong nhiều người bệnh phải chịu cảnh thiếu vật tư y tế trong danh mục BHYT thanh toán tại các bệnh viện công lập trên cả nước. Cũng theo phản ánh của người bệnh, tại một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT, ngoài việc chưa cung ứng kịp thời, đầy đủ vật tư y tế, hiện còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh nên bệnh nhân buộc phải ra ngoài mua... Chị Hoàng Thị M. (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đưa mẹ lên Hà Nội điều trị bệnh tim mạch. Chị chia sẻ: “Mẹ tôi nhập viện, bác sĩ hướng dẫn ra ngoài mua thuốc vì thuốc điều trị cho mẹ tôi hiện tại bệnh viện đã hết. Chúng tôi chấp nhận ra mua thuốc ở ngoài, nhưng mỗi cửa hàng lại một giá khác nhau, nghe họ giới thiệu thuốc mà tôi hoang mang, không biết thuốc thật-giả như thế nào”.

Người dân thực hiện thủ tục thanh toán viện phí bằng BHYT. 

Không để bệnh nhân tự mua thuốc

Theo lãnh đạo một bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội, danh mục vật tư y tế và thuốc đã có cụ thể, phân chia rõ những hạng mục nào phải đấu thầu tập trung, hạng mục nào tự mua. Ví dụ kim truyền dịch là loại vật tư bệnh viện có thể tự mua nhưng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. "Các bệnh viện làm đúng quy trình mua vật tư y tế nên mất nhiều thời gian hơn, bên cạnh đó một số doanh nghiệp cung ứng trang thiết bị y tế chưa phục hồi sau Covid-19. Vì vậy một số nguồn hàng cung ứng đã bị gián đoạn. Thêm vào đó, hiện việc nhập khẩu cũng khó khăn do thủ tục nhập cảnh và một số nước hạn chế xuất khẩu các loại thuốc, vật tư y tế này", vị này nhận định.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết theo Nghị định 146 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật BHYT, bệnh viện phải có trách nhiệm đủ vật tư y tế khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Việc để bệnh nhân đi mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài vừa không bảo đảm, vừa khó quản lý về chất lượng bởi nhiều loại thuốc yêu cầu về bảo quản nghiêm ngặt. “Chúng tôi không khuyến khích việc người bệnh phải tự đi mua thuốc bên ngoài, bởi vì có những trường hợp thuốc rất đắt, người dân không thể bỏ số tiền lớn để mua sau đó mới thanh toán được. Vì vậy, bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh phải có trách nhiệm vừa bảo đảm mức giá, vừa bảo đảm chất lượng và quyền lợi cho người bệnh BHYT”, ông Phúc nhấn mạnh.

BHXH Việt Nam cũng đã có văn bản gửi BHXH các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh BHYT cho người dân. Văn bản được gửi đi trong bối cảnh trước đó, BHXH Việt Nam nhận được phản ánh của người bệnh về tình trạng không cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Đặc biệt là các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với sở y tế bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư cho người tham gia BHYT, không để bệnh nhân phải tự mua sắm thuốc và vật tư y tế.

Theo thông tin từ Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 26-8 vừa qua cho thấy, đa số các sở y tế và bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc và các loại vật tư y tế tiêu hao, hóa chất (chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm); thiếu các trang thiết bị y tế chuyên sâu, nhất là thiết bị xét nghiệm, phục vụ chẩn đoán bệnh... Về vấn đề này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế để ban hành các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền nhằm khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) hiện nay, đáp ứng yêu cầu KCB của người dân. Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết thì kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sắp tới, Chính phủ sẽ có nghị quyết chuyên đề giải quyết vấn đề này. 

(Còn nữa)

Bài và ảnh: HÀ VŨ